Mới đây, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp trong nước hầu như không có sự chuẩn bị kịp thời và một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Đa phần, để tồn tại các doanh nghiệp đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, phương thức kinh doanh, từ mô hình truyền thống sang mô hình kinh doanh phi truyền thống. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trở thành một yếu tố sống còn, để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.

doanh-nghiep-can-nam-ro-ve-quyen-va-nghia-vu-cua-minh

Qua khảo sát từ 630 doanh nghiệp được công bố, các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng là năng lực quản trị doanh nghiệp

Tại báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”, do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) kết hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức cho thấy, các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng là năng lực quản trị doanh nghiệp (chiếm 32,9%); Thị trường khách hàng (chiếm 20,5%); Quy mô vốn của doanh nghiệp (chiếm 20%); Ngành nghề kinh doanh (chiếm 18%); Khả năng huy động vốn (17,6%); Thời gian hoạt động (14,9%) và Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (chiếm 14,4%)”.

Phân tích thêm về số liệu thu được, ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Phần đông các doanh nghiệp đều có chung quan điểm coi nhân sự là tài sản quý giá nhất và là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng”.

8eb30fecfe2638786137-4633-7240

Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Báo cáo cũng chỉ ra các doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng COVID-19 có một số tiêu chí chung, như áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong sản xuất – kinh doanh, năng suất lao động tăng…

“Một điểm đáng lưu ý, tại các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi của họ trong thời kỳ khủng hoảng”, ông Văn chia sẻ.

Nhận xét về kết quả nghiên cứu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: “Yếu tố quản trị doanh nghiệp tốt ngày càng trở nên quan trọng, vượt qua tầm doanh nghiệp tự chủ động thực hành tốt và hướng tới giai đoạn Nhà nước cần can thiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện, sau đó sẽ là xử phạt doanh nghiệp không làm tốt công tác này. Do vậy chính sách khuyến khích doanh nghiệp quản trị tốt đặc biệt cần được quan tâm”.

3c71e1f81732d16c8823-3792-1993

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu cũng chỉ ra một điểm sáng trong báo cáo là các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng là rất thuyết phục. “Trong báo cáo gần đây của một ngân hàng Thụy Sỹ, họ phân tích 2.360 công ty đại chúng trong 6 năm và đưa ra kết luận một công ty lớn có tối thiểu một thành viên HĐQT là nữ thì giá cổ phiếu của họ tốt hơn 26% và thu nhập lớn hơn 14%/năm; công ty vừa và nhỏ có ít nhất một thành viên HĐQT là nữ thì giá cổ phiếu cao hơn 17 lần”.

“Như vậy, điều này cũng là một động lực thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh doanh điều hành doanh nghiệp. Phụ nữ tham gia kinh doanh không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế mà còn giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Dương Thành