Trong cơn bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Y tế cũng xây dựng đề án Y tế thông minh từ nay đến 2025 (định hướng đến năm 2030) nhằm hướng đến nền Y tế điện tử trong tương lai.

Med247 – công ty khởi nghiệp sáng tạo về y tế, vừa huy động được 4,5 triệu USD tiền vốn từ KK Fund.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ để triển khai khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth) – một trong số những xu hướng công nghệ y tế hiện đại đang thịnh hành trên thế giới. Từ hai bệnh viện tuyến huyện được kết nối ban đầu, đến nay, số cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia TeleHealth với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tăng gấp gần 40 – 50 lần.

Hiệu quả công nghệ số

Đặc biệt, tất cả các trường hợp, bệnh nhân tuyến dưới đưa ra hội chẩn đều nặng, phức tạp. Qua TeleHealth, những bệnh nhân này được cứu sống, các bác sĩ tuyến dưới tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm giúp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.

TeleHealth là một trong những công nghệ y tế đang được triển khai hiệu quả tại một số bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên. Là đơn vị phối hợp với bệnh viện triển khai mô hình trên, ông Khổng Văn Đông – Giám đốc Trung tâm giải pháp y tế số của Viettel Business Solutions nhận định, y tế là ngành có tốc độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhanh, nhất là sau dịch bệnh COVID-19, mô hình bệnh viện, cơ sở y tế truyền thống đã có xu hướng chuyển dịch một phần sang mô hình bệnh viện internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, với sự phát triển của công nghệ, nhiều bệnh viện đã sẵn sàng chuyển đổi số y tế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, khám chữa bệnh. Từ các công nghệ lưu trữ đám mây, AI, blockchain… bệnh viện và cơ sở y tế đã xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, quản lý đơn thuốc điện tử, kết nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu mở đường cho việc nâng cao khả năng tự động hóa.

Triển vọng lạc quan trong phát triển công nghệ y tế còn đến từ sự thay đổi trong nhu cầu của người dân và tích hợp chuyển đổi số mạnh mẽ của các lĩnh vực liên quan. Đó là tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tình trạng già hóa dân số, sự mở rộng của hệ thống bảo hiểm y tế và bệnh viện. Nhiều người sẵn sàng lựa chọn và chi trả để thụ hưởng dịch vụ y tế thuận tiện như đặt lịch khám trực tuyến, mua thuốc từ xa… tạo ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho y tế số.

Tăng tốc bắt kịp xu hướng

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đệ, công nghệ y tế đã phát triển nhanh trên thế giới. Trong cộng đồng khởi nghiệp, đây là một trong những ngành thu hút sự quan tâm của các start up với hơn 6.000 công ty khởi nghiệp và 40 kỳ lân thuộc lĩnh vực này. Trong đó, các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đang có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất liên quan đến công nghệ y tế.

Tuy nhiên, dù đang tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ song công nghệ y tế tại Việt Nam chưa bắt kịp thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu. Còn nhiều rào cản về chính sách, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực có kỹ năng kỹ thuật số… để tiếp cận cái mới từ công nghệ y tế hiện đại khiến cho việc tiếp nhận các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số, tự động hoá trở nên chậm hơn. Đặc biệt là ở các khối bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng xa, nông thôn. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân, các cơ sở khám chữa bệnh tại các tỉnh, thành lớn đang nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ.

Ngay cả ở thành phố, các đơn vị chủ động tiếp cận công nghệ y tế cũng phải rất linh hoạt, lựa vào “nồi cơm” của mình để xoay xở kinh phí tổ chức triển khai một số xu hướng mới trong công nghệ y tế do hiện nay chưa có chính sách cụ thể, chưa có kinh phí cho các mô hình mới có hàm lượng công nghệ cao. Chưa kể, hạ tầng công nghệ trong lĩnh vực y tế chỉ mới dừng lại ở mức độ cơ bản, nhất là tại cấp cơ sở còn lạc hậu, thiết bị và đường truyền chưa ở mức tự động, còn phải thực hiện thao tác thủ công mất nhiều thời gian. Trong khi đó, y tế là ngành có khối lượng dữ liệu khổng lồ nhưng theo báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” hệ thống này phân tán và chưa tích hợp, liên kết, mã hóa khiến cho việc kết nối các hệ thống thộng tin y tế chưa được thực hiện được. Để xâu chuỗi và chuẩn hoá dữ liệu này về trung tâm điều khiển, xử lý lớn bằng công nghệ, chắc chắn phải giải quyết nhiều khoảng trống.

Đây là những lý do khiến cho y tế là một lĩnh vực có rào cản gia nhập ở mức độ cao. Hệ inh thái y tế số của Việt Nam mới ở mức khởi điểm. Các giải pháp công nghệ được áp dụng hiện là số hoá. Tuy nhiên, điều này cũng đang tạo cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư cho công nghệ y tế.

Hạnh Lê