Netflix đang gây bất ngờ cho nhiều người khi chính thức nhảy sang làm game. Giới bình luận đánh giá đây là một bước đi thông minh của hãng phim trực tuyến này.
Tuần qua, lần đầu tiên các lãnh đạo của Netflix công khai về ý định của chiến lược xây dựng các trò chơi điện tử. Và lý luận để dẫn đến sản phẩm mới này cũng rất là… “đặc trưng Netflix”.
Cơ bản thì là Netflix sẽ bắt đầu cung cấp các trò chơi di động cho tất cả người dùng đã đăng ký của mình mà không tính thêm phí dịch vụ. Điều này được cho là để tăng thêm giá trị và lợi thế cạnh tranh cho Netfix.
Theo thống kê, số lượng khách hàng mới tại Hoa Kỳ và Canada đã giảm 400.000 trong quý 2. Đây có thể là dấu hiệu của điểm bão hòa kinh doanh trong ngắn hạn. Vậy nên thêm trò chơi điện tử có thể sẽ là cách để họ thu hút khách hàng mới, đồng thời giảm tình trạng gián đoạn.
Giám đốc điều hành Greg Peters cho biết Netflix tin rằng họ sẽ đem đến nhiều niềm vui giải trí hơn cho người dùng thông qua các trò chơi.
Tuy nhiên đây có phải là lý do duy nhất để Netflix chọn trò chơi điện tử là sản phẩm đầu tiên không liên quan đến video mà họ phát triển hay không? Có lẽ là không, bởi nhiều người trong ngành cho rằng dữ liệu và sở hữu trí tuệ cũng là những thứ Netflix chú ý đến.
Dữ liệu và sở hữu trí tuệ là 2 khái niệm giúp Netflix thành công với dịch vụ phát video trực tuyến của mình. Có thể nói Netflix đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành phát trực tuyến bằng cách sử dụng dữ liệu video streaming để gợi ý cho người xem những bộ phim/chương trình liên quan.
Đồng thời Netflix cũng tích cực sản xuất ra những bộ phim độc quyền. Những bộ phim độc quyền này sử dụng chính dữ liệu của người dùng để định hướng nội dung phim. Việc này đã thay đổi hoàn toàn cách phân phối phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Các nền tảng khác cũng thi nhau làm theo Netflix – tự làm phim tự phân phối – thay vì chỉ làm và bán cho bên khác phân phối.
Với 2 điểm này, Netflix đã thống trị mảng giải trí với 209 triệu người đăng ký trên toàn cầu, chưa kể đến một loại những dịch vụ ăn theo từ các đơn vị khác.
Peters cho biết Netflix sẽ “học hỏi, phát triển và tập trung vào những gì họ đang làm” với sản phẩm video games mới của mình. Ông cũng nhấn mạnh rằng các trò chơi đều sẽ phụ thuộc vào người chơi, cho phép họ chọn nhân vật nào mình thích trong thế giới game.
Và dĩ nhiên Netflix cũng sẽ không bỏ qua những dữ liệu về lựa chọn của khách hàng. Họ sẽ còn tận dụng để phát triển lên những sản phẩm khác của mình. Chẳng hạn nếu một nhân vật nào đó được người chơi chọn nhiều trong video games, thì có thể tin chắc chắn rằng nhân vật đó sẽ có trong một bộ phim năm tới.
Mặc dù Netflix cũng cấp phép một số game cho các bên khác, nhưng Peters vẫn nhấn mạnh rằng sở hữu trí tuệ là một trong những điểm mạnh để cạnh tranh của Netflix so với những đối thủ cùng ngành.
Peters chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng các fans luôn muốn gắn bó nhiều hơn, sâu sắc hơn với nhân vật họ thích. Vì vậy ý tưởng xây dựng video games, một vũ trụ nơi họ có thể dành thời gian lớn để tương tác và khám phá nhân vật quả thật rất tuyệt.”
Và “thời gian lớn” cũng là một trong những ý định sâu xa khác của Netflix – giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái của mình. Netflix hi vọng khách hàng sẽ bị “trói chặt” vào màn hình, chán xem phim sẽ chuyển sang chơi game.
Nhà sáng lập kiêm đồng CEO Reed Hasting cho biết video games sẽ chưa tạo ra doanh thu trong thời gian tới. Ông vẫn mô tả Netflix “là công ty một sản phẩm với những yếu tố phụ trợ”. Thế nhưng dân trong nghề đều hiểu rằng, Hasting đang muốn những gì khiến dịch vụ streaming của Netflix thành công cũng sẽ làm tương tự với video games.
Quân Bảo