Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2020 có khả năng đạt 3,8 tỷ USD tăng hơn 4% so cùng kỳ.
Cụ thể, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết, trong quý I, mặc dù xuất khẩu tôm sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc sụt giảm mạnh do dịch COVID-19 nhưng bù lại xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản trong tháng 2 tăng đến 63% đưa kim ngạch quý I đạt 132 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất.
Kế đến là thị trường Mỹ cũng đã nhập khẩu trên 115 triệu USD tôm Việt Nam, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Một số thị trường khác như Hồng Kông-Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu hồi phục, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào các thị trường trong quý I đạt 628,6 triệu USD, tăng1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
“Tuy nhiên, nếu tính đủ theo con số cập nhật từ Hải quan thì xuất khẩu tôm đến hết quý I lên đến 800 triệu USD và đến hiện nay là gần 1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy của cả nước đến thời điểm hiện nay lên khoảng 2 tỷ USD”, ông Hòe thông tin thêm.
Cũng theo ông Hòe, những tháng đầu năm do ảnh hưởng dịch COVID-19 tình hình xuất khẩu rất khó khăn, tuy nhiên kể từ cuối tháng 3 đến nay khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt thì xuất khẩu đang hồi phục. Trong khi đó các quốc gia xuất khẩu tôm khác như: Ấn Độ, Ecurado, Thái Lan, Indonesia… đang loay hoay chống dịch vì thế thị phần xuất khẩu tôm giảm trên 30%, đây là cơ hội để tôm Việt Nam mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh; các cam kết về mở cửa thị trường có hiệu lực đặc biệt là EVFTA, CPTPP…Với các điều kiện thuận lợi về thị trường và nguồn nguyên liệu, Vasep dự báo xuất khẩu tôm năm 2020 có khả năng đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD, cao hơn mức dự báo trước đây khoảng 300 triệu USD.
“Muốn tận dụng được cơ hội thị trường thì Chính phủ cần triển khai nhanh các giải pháp hỗ trợ trong đó đặc biệt chú trọng nguồn tín dụng cho hộ nuôi tôm. Đối với doanh nghiệp biến nhà nước cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ về giảm, giãn lãi suất, thuế, tiền thuê đất để phục hồi sản xuất”, ông Hòe đề xuất.
Trong khi đó mặc dù đã đưa ra dự báo xuất khẩu tôm sẽ có nhiều thuận lợi nhưng ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản-Bộ NN&PTNT tỏ ra thận trọng hơn khi đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 có khả năng chỉ đạt từ 2,97-3 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản-Bộ NN&PTNT thì diện tích thả nuôi tôm đạt trên 482.000 ha, bằng 71,1% so với kế hoạch, trong đó diện tích nuôi tôm sú chiếm trên 85%, còn lại là tôm thẻ chân trắng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý ngành thủy sản đóng góp đến 25% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản, trong đó, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ lực. Riêng con tôm chỉ với quy mô diện tích nuôi trồng 700.000 ha đã cho sản lượng trên 800.000 tấn, năm 2019 xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD. Xét về tiềm năng, lợi thế thì ngành thủy sản còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Để phát huy đúng tiềm năng thế mạnh của ngành hàng này, Bộ trưởng Cường đề nghị các địa phương phải rà soát lại tổng thể từ vùng nuôi đến công nghiệp hỗ trợ như sản xuất thức ăn, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học trên tinh thần phối hợp giữa khu vực Chính phủ, khu vực người dân, cùng doanh nghiệp ngành hàng cùng chung tay phát triển ngành hàng này nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, tổng diện tích thả nuôi tôm đạt hơn 705.500 ha; sản lượng thu hoạch đạt trên 823.850 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,36 tỷ USD. Năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường. Trong đó, top 10 thị trường nhập khẩu chính (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam) gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sĩ. |