Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu tôm sang thị trường Australia tăng kỷ lục

4 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt 95 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Australia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2021.

0857_xuatkhautom

Xuất khẩu tôm 4 tháng năm 2020 tăng 2,9%

Bước sang năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia ghi nhận mốc tăng trưởng khá cao. Australia đã vượt qua Anh, vươn lên vị trí thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam với tỷ trọng tăng lên 7%.

Các sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Australia trong 4 tháng đầu năm nay như: tôm chân trắng luộc, bỏ đầu, bỏ đuôi đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu bỏ đuôi tươi đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu còn đuôi tươi đông lạnh;…

Các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều tôm nhất sang Australia như Minh Phu Seafood Corp, Cases, Minh Phu-Hau Giang JSC, Viet Shrimp Corporation…

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới, nhập khẩu tôm của Australia trong quý đầu năm 2022 đạt gần 100 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhập khẩu tôm vào Australia ghi nhận tăng trưởng liên tục.

Trong Top các nguồn cung tôm chính cho Australia quý I/2022, nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng trong khi nhập khẩu từ các nguồn cung còn lại giảm.

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia, chiếm 72% tổng giá trị nhập khẩu tôm của thị trường này. Thái Lan đứng thứ hai với thị phần 13%, tiếp đó là Trung Quốc chiếm 8%.

Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Australia trong quý đầu năm 2022 đạt khoảng 11 USD/kg, trong khi giá nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 11 USD/kg, Thái Lan với 9,25 USD/kg, Trung Quốc với 9,83 USD/kg.

Việt Nam và Australia là hai quốc gia thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định có quy mô lớn nhất thế giới.

Mỗi năm Australia tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thủy sản nhưng khai thác, sản xuất nội địa chỉ có thể đáp ứng 230.000 – 280.000 tấn. Hiện nay, mức tiêu thụ thủy sản của người dân Australia khoảng 15 kg/năm và có xu hướng tăng dần. Dân số Australia đang ở mức 25 triệu dân và dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu dân vào năm 2050.

Do đó, theo bà Nguyễn Thu Hường – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, Việt Nam còn cơ hội mở rộng xuất khẩu thuỷ sản nói chung và mặt hàng tôm nói riêng sang thị trường Australia.

Về phía VASEP cũng nhận định, với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, tôm Việt Nam đi vào thị trường Australia sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế. “Với lợi thế là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia trong nhiều năm qua, cùng với lợi thế từ Hiệp định RCEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm nay”, VASEP nhận định.

Bên cạnh những thuận lợi thì mặt hàng tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, trong khi đó, các thị trường này đang tăng cường diện tích thả nuôi để tăng quy mô xuất khẩu. Mặt khác, vấn đề thương hiệu cũng cần được chú trọng bởi hiện nay sự nhận diện thương hiệu của Việt Nam còn rất mờ nhạt.

Để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng tôm vào thị trường này, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo quy định an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và nhãn, chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, cần chú ý tới tính bền vững trong khai thác thuỷ sản.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải tìm hiểu quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối. Đồng thời,đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động – thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính từ năm 2018, xuất khẩu tôm sang Australia cũng liên tục tăng từ 115 triệu USD năm 2018 lên 188 triệu USD năm 2021.
Nguyễn Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved