Năm 2022, con tôm Việt Nam được nhìn nhận sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ với sức cạnh tranh ngày càng cao. Và theo kế hoạch sản xuất tôm năm nay, diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha, trong đó, tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD.
Ngày 11/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 và ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022.
Tại hội nghị, nhiều khó khăn, thách thức của ngành hàng tỷ đô này được nêu ra…Ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (địa phương nuôi tôm hàng đầu của cả nước) cho hay, năm 2021 tỉnh này có diện tích nuôi tôm đạt 53.000ha, vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm đạt hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Nam, dự báo ngành tôm đối mặt với những khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, chất lượng con giống, giá cả thị trường, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao…
Cũng tại hội nghị, ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết, năm 2021, có 64 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.
Trong năm 2021, NAFIQAD đã thực hiện lấy 1.768 mẫu tôm nuôi tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao…
Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha; trong đó, tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021).
Đối với nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỷ USD trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại, phân tích những thách thức, Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống; giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh… để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, ngành, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và sự đồng lòng, chung tay, chia sẻ khó khăn của người dân, doanh nghiệp dẫn đến ngành tôm năm 2021 vẫn đạt kết quả tốt.
Cụ thể, sản lượng tôm nuôi năm 2021 các loại đạt 970 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so năm 2020; trong đó 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD.
Phương Linh