Từ ngày 21/4/2021, khi xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản vào EU, doanh nghiệp thực hiện mẫu chứng thư mới, thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, theo hướng dẫn của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Sản và Thuỷ sản (NAFIQAD) tại công văn 453/QLCL-CL1 về mẫu chứng thư cho các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu vào EU, từ ngày 21/4/2021, khi xuất khẩu hàng vào EU áp dụng mẫu chứng thư mới.
Theo đó, ngày 16/12/2020 Uỷ ban châu Âu đã ban hành quy định số 2020/2235 liên quan tới mẫu chứng thư một số sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu vào EU, có hiệu lực từ ngày 21/4/2021, thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021, trong đó có một số nội dung cần lưu ý.
Cụ thể, đối với mẫu chứng thư cho sản phẩm thủy sản, nhuyễn thể, giáp xác sống, đùi ếch, ốc, gelatine, collagen, sản phẩm composite từ nước thứ 3 xuất khẩu vào EU hiện đang được áp dụng trên TRACESNT (ban hành tại các Phụ lục I và III của Quy định (EU) số 2019/628 ngày 8/4/2019) sẽ được chuyển đổi tham chiếu tương ứng tại các Chương của Phụ lục III Quy định (EU) số 2020/2235 kể từ ngày quy định này có hiệu lực.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường EU.
Đồng thời, nghiên cứu mẫu và hướng dẫn khai báo các nội dung trong chứng thư mới để đảm bảo thực hiện đúng, chính xác khi đăng ký thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU sau khi quy định có hiệu lực.
Báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương đã ghi nhận số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tăng mạnh sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020.
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU là 370 doanh nghiệp. Trong đó số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU hàng tháng đều ở mức dưới 200 doanh nghiệp/tháng. Nhưng sau khi EVFTA có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU đã tăng lên mức trên 200 doanh nghiệp/tháng.
Ước tính sơ bộ năm 2020, có 409 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản tới EU, hầu hết các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp có uy tín và khả năng cung ứng tốt.
Mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang EU khá đa dạng, mang về ngoại tệ lớn nhất trong thời gian vừa qua lần lượt là tôm, cá ngừ, cá tra-basa, nghêu các loại, cá đông lạnh…. Các số liệu thống kê xuất khẩu cho thấy khi EVFTA có hiệu lực, tôm, nghêu, cá ngừ và mực là những mặt hàng đã hưởng lợi rõ nhất từ các ưu đãi từ thuế của EVFTA.
Năm 2021 thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội vượt qua mốc 1 tỷ USD ở thị trường EU, do các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ khai thác hiệu quả hơn Hiệp định EVFTA.
Linh Nga