Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, nhờ nhu cầu từ Mỹ và EU tăng khi các nhà hàng ở đây được mở cửa trở lại.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4 xuất khẩu thủy sản các loại của Việt Nam đạt 750,1 triệu USD, tăng gần 22% so với tháng 4/2020 . Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 10,5% so với 4 tháng đầu năm 2020.
Như vậy có thể thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 4 tiếp tục phục hồi sau khi gặp khó khăn trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, do dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ của nhiều thị trường và ảnh hưởng đến hoạt động logistics.
Với sự tăng trưởng khả quan trong tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi về mức trước đại dịch khi tăng 2,7% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Đáng chú ý, cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi đáng kể so với trước đại dịch Covid-19. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Canada và Nga tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc, EU và Hàn Quốc giảm.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất và nhiều tiềm năng của Việt Nam, khi xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ cả 2 năm 2020 và 2019, tăng lần lượt 28,2% và 25,5%. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tăng từ 15,9% trong tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng của cả nước 4 tháng đầu năm 2019, lên 19,5% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Theo Arlin Wasserman – Giám đốc Điều hành Change Tastes, người tiêu dùng Mỹ ngày càng có nhu cầu tiêu thụ nhiều thuỷ sản hơn so với thịt, và mong muốn đa dạng các mặt hàng thuỷ sản. Vì vậy, việc cần làm là tăng nhanh danh mục sản phẩm với nhiều chủng loại, và tăng hương vị mới.
Trong đó, theo Change Tastes, tôm là loài được ưa chuộng nhất ở Mỹ. Tiếp theo là cá hồi, bạch tuộc, cá ngừ, cua…; các sản phẩm thuỷ sản sấy, hun khói, ướp lạnh cũng thường được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng vì sự tiện lợi.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu từ Mỹ và EU tăng. Đặc biệt là nhu cầu thủy sản cao cấp từ EU khi các nhà hàng được mở cửa trở lại.
Sau nhiều tháng chống chọi với đại dịch COVID-19, châu Âu hiện đạt được bước tiến trong tiêm phòng, kinh tế dần hồi phục, nhiều nước trong khu vực mở cửa, thậm chí đón khách du lịch quốc tế.
Pháp đã cho phép mở cửa trở lại các quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời vào ngày 19/5 khi số ca COVID-19 cần điều trị tích cực đang giảm dần. Đức cũng dự kiến cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời.
Tại Bỉ, sau 7 tháng tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, các quán ăn, cà phê đã được phép mở cửa trở lại đón khách phục vụ ngoài trời và chính phủ đang xem xét việc mở lại các lễ hội vào nửa sau mùa hè.
Tại Áo, từ ngày 19/5, các nhà hàng, khách sạn, nhà hát và các trung tâm thể thao mở cửa trở lại, chào đón những du khách có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Chính phủ Ba Lan đã cho phép các khách sạn được đón khách trở lại với 50% công suất phòng. Việc ăn uống ngoài trời được cho phép bắt đầu từ ngày 15/5 và từ ngày 29/5, khách được dùng bữa trong nhà hàng…
Tại Anh, các hạn chế COVID-19 được nới lỏng hơn nữa từ ngày 17/5, cho phép người dân trong nước gặp nhau tại nhà riêng hoặc quán rượu, cũng như các nhà hàng trong nhà.
Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, VNEAEU, UKVFTA cũng là lực đỡ để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tăng tỷ trọng trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Anh, Australia, Canada và Nga trong 4 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập cũng cho rằng việc thiếu các container vận chuyển do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng tại Mỹ, châu Âu và giá cước vận chuyển cao sẽ phần nào gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam.
Làn sóng COVID-19 mới đang bùng phát tại các nước châu Á có thể gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường châu Á trong thời gian tới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan trong bối cảnh vẫn còn tình trạng thiếu container, để xuất khẩu hàng hóa và cước phí vận chuyển tăng cao.
Đánh giá từ nhóm phân tích của CTCK SSI, từ nay tới cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính: Thứ nhất, giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; và Thứ hai, tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.
Cũng theo SSI, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm được hưởng lợi từ làn sóng Covid mới Ấn Độ, nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, gặp khó khăn với sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ấn Độ sản xuất khoảng 650.000-700.000 tấn tôm trong năm 2020 (-30% so với cùng kỳ). Làn sóng Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021.
Do đó, điều này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh (cụ thể là Ecuador, Indonesia, và Việt Nam) cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu – đặc biệt là ở Mỹ. VASEP dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất sẽ giảm do Covid.
Linh Nga