Hiện nay, Mỹ và EU là 2 thị trường lớn của thủy sản Việt Nam vẫn khá trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi trong quý II. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III/2023.
Theo VASEP, thủy sản là 1 trong 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm, giảm gần 28%. Đơn hàng xuất khẩu đã giảm 20 – 50%, lượng tồn kho tăng cao. Nguyên nhân chính là do các thị trường tiêu thụ lớn nhất như Mỹ, châu Âu giảm tiêu thụ do tác động của lạm phát toàn cầu.
Bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc điều hành, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa cho biết: “Hiện đã là quý II, tuy nhiên tín hiệu của thị trường hầu như đang duy trì để cùng chia sẻ với khách hàng để thúc đẩy về sản xuất. Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng thị trường vẫn còn yếu”.
Liên quan đến xuất khẩu thuỷ sản, đại diện VASEP cho biết, hiện nay, thị trường Mỹ và EU là 2 thị trường lớn của thủy sản Việt Nam vẫn khá trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi trong quý II. Doanh nghiệp chưa có những đơn hàng lớn để phục hồi xuất khẩu, họ tiếp tục đi tìm kiếm các thị trường khác.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: “Các doanh nghiệp đang cố gắng cân đối đảm bảo nguồn vốn an toàn, tiết giảm chi phí, chờ đợi tín hiệu tốt hơn từ thị trường để có phục hồi xuất khẩu trong năm nay”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Hải nhận định, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, các chuyên gia kinh tế cho rằng: việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn. Thách thức đầu tiên được các chuyên gia kinh tế chỉ ra đó là: tình trạng thiếu đơn hàng, khi rất nhiều đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng tiêu dùng bị cắt giảm, hoãn hoặc hủy và nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, bởi áp lực lạm phát từ nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thách thức thứ hai là áp lực tài chính đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tình trạng thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn do áp lực lãi vay tăng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn tăng và đứng ở mức cao, trong khi các doanh nghiệp phần lớn khó khăn do phải chống chịu các tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 suốt hơn hai năm qua. Cùng với đó là các thách thức về yêu cầu chất lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương và đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu; đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Những rào cản thương mại được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới, bởi hiện nay lạm phát, sức mua giảm đang là khó khăn chung của hầu hết các thị trường. Do đó, giải pháp được đề ra là làm sao dự báo và khắc phục được các rào cản đó, tận dụng các thị trường hiện có, các hiệp định đã ký kết; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: “Kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có xu hướng phục hồi từ cuối quý II và tăng trở lại trong nửa cuối của năm 2023, vốn cũng là thời điểm mùa vụ xuất khẩu và theo chu kỳ cũng là thời điểm xuất khẩu có thể bật tăng; hướng đến các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Mỹ Latinh; sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để ký kết, đưa vào thực hiện Hiệp định FTA với Israel. Bắt tay vào triển khai đàm phán FTA với UAE; thúc đẩy đàm phán FTA với các nước khối Mercosur để khai mở thị trường Mỹ La tinh”.
Tú Chi