Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu thép khởi sắc trong nửa đầu năm 2022

Tổng cục Thống kê cho biết, dù sản lượng xuất khẩu thép chỉ bằng 84,7% so với cùng kỳ nhưng trị giá vẫn tăng 13,7%, đạt 5,125 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép đạt 2,438 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Tổng cộng xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép đạt 7,563 tỷ USD.

Trong bối cảnh giá đầu vào sản xuất thép tăng mạnh, giá thép trong nước những tháng gần đây có nhiều đợt giảm mạnh, tiêu thụ chậm, kênh xuất khẩu vẫn tăng tốc, khác hẳn sự giảm tốc của ngành hàng xi măng, clinker.

Theo số liệu của công ty Chứng khoán Mirae Asset Vietnam, lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn, tương đương sản lượng tháng 5/2022, so với trung bình 3 năm 2019-2021 chỉ ở mức 56% sản lượng tháng. Lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6/2022 đã giảm về mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm 2,1 triệu đồng/tấn so với lúc đỉnh.

Mặt hàng sắt thép năm qua có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành từ trước đến nay và có mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá xuất khẩu năm nay tăng hầu hết ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất khẩu thép bình quân năm 2021 đạt trên 901 USD/tấn, tăng 68,8% so với năm 2020.

Thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ và môi trường như các nước Mỹ, EU…

Các thị trường xuất khẩu chính gồm: ASEAN đạt 3,8 triệu tấn, trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm 2020. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn, đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 12,4%. Xuất sang EU đạt 1,6 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng hơn 8 lần về trị giá so với năm 2020. Thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh với 1,1 triệu tấn, trị giá đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 8 lần về trị giá so với năm 2020.

xuat-khau-sat-thep

Xuất khẩu thép khởi sắc trong nửa đầu năm 2022.

Tại thị trường trong nước, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 – 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.

Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân đầu tư công cũng không được như kỳ vọng. Trước đó, hồi đầu năm Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy ngành thép trong năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).

Bộ Công Thương dự báo trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…Trong khi đó, dự kiến giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Trong báo cáo mới đây, VSA dự báo các doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022.

Người đứng đầu Tập đoàn Hoà Phát tỏ ra khá bi quan về triển vọng trong những tháng còn lại của năm “Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hoà Phát thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm”.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, triển vọng thị trường thép và các doanh nghiệp của ngành trong 6 tháng cuối năm vẫn có những tín hiệu tích cực.

Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trong năm 2022, ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào. MASVN dự đoán năm 2022 sản lượng cả ngành đạt 33.3 triệu tấn, tăng trưởng 8%.

Minh Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved