Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu sầu riêng: Tăng tốc để giữ thị trường

  • bởi

Campuchia gia nhập thị trường Trung Quốc; Indonesia, Lào cũng đang tìm kiếm cơ hội. Chạy “nước rút” sản xuất sạch, sầu riêng Việt Nam mới giữ được thị trường.

Lo ngại tuột mất vị thế tại thị trường xuất khẩu

Trung Quốc là thị trường chính của trái cây tươi Việt Nam, trong đó có quả sầu riêng. Từ khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đều hy vọng hoạt động xuất khẩu được diễn ra thuận lợi, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

Sầu riêng Ri6 tại nhiều nhà vườn giảm chỉ còn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái

Tuy nhiên, từ cuối năm 2024 đến nay, Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan đều nhiễm cadimi, yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và vàng O mới được thông quan. Nếu phát hiện tồn dư, các mã số nhà đóng gói và vùng trồng sẽ bị đình chỉ. Việc này khiến cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng bị ảnh hưởng nặng nề.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt kỷ lục 3,2 tỉ USD. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, sản lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn (đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra), trong khi cùng kỳ năm ngoái hơn 500 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc phát sinh các thủ tục đáp ứng yêu cầu mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của Trung Quốc và hiện cũng là thời vụ thu hoạch rộ của các nước là nguyên nhân chính khiến giá giảm.

Do hàng hoá gặp khó khăn khi xuất khẩu, giá sầu riêng trong nước cũng bị sụt giảm mạnh. Ngày 18/5, giá sầu riêng tại nhiều nhà vườn có nhích nhẹ, nhưng chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Theo phản ánh, hiện nay, thương lái vào vườn mua hàng xô chỉ khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg tùy loại và chất lượng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk – cho biết, đến nay, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của ngành nông sản Việt Nam nói chung như mít, sầu riêng đã bị phía Trung Quốc liên tục thu hồi. Đối với sản phẩm sầu riêng, số lượng mã số bị thu hồi đã lên đến con số khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã cơ sở đóng gói. Đồng thời, kể từ tháng 9/2023 đến nay Cục Bảo vệ thực vật liên tục giới thiệu các vùng trồng và cơ sở đóng gói mới sang Trung Quốc và không được chấp thuận. Tổng diện tích sầu riêng cả nước là 150.000 ha, nhưng diện tích được cấp mã số khoảng 20%, chưa tương xứng với năng lực xuất khẩu thực tế của Việt Nam.

Mùa vụ khu vực miền Đông và Tây Nguyên, sản lượng lớn, tổng diện tích thu hoạch của 2 mùa miền Đông và Tây Nguyên ước chừng khoảng 45.000ha, tương đương khoảng hơn 500.000 tấn sầu riêng trong năm 2025. Tây Nguyên cũng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, bởi Tây Nguyên sẽ thu hoạch sầu riêng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, là mùa duy nhất trên thế giới có sầu riêng.

Tuy nhiên, việc mỗi nơi có một mức giá và thời gian trả kết quả vàng O là 4 ngày, cadimi 2 ngày… được cho là không phù hợp. Đã có tình trạng khách hàng nhập khẩu lựa chọn nguồn cung từ Thái Lan vì lợi thế chi phí và thời gian xét nghiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Võ Tấn Lợi – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, thời điểm tháng 10, 11/2024, mỗi xe hàng chỉ mất khoảng 20 – 30 triệu đồng tiền xét nghiệm. Nhưng hiện nay, nếu kiểm tra đủ cả chỉ tiêu vàng ô và cadimi, chi phí lên tới 50 – 60 triệu đồng/xe. Mức chi phí này cao gấp cả chục lần so với Thái Lan.

Về việc này, theo ông Vũ Đức Côn, hiện nay, phía Trung Quốc chỉ phê duyệt cho một số phòng thí nghiệm được Cục Bảo vệ thực vật giới thiệu sang để kiểm tra vàng O và cadimi. Do đó, đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Môi trường chỉ đạo các phòng thí nghiệm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối, không đứt gãy thông tin với chi phí ổn định và hợp lý, tránh trường hợp độc quyền trục lợi, tạo ra cơ chế xin – cho, không công bằng với các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để mở thêm nhiều phòng thí nghiệm được phép kiểm tra để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn.

Triển khai tổng thể các giải pháp, giữ thị trường xuất khẩu

Từ nay đến tháng 9, cả nước sẽ có khoảng 1,7 triệu tấn sầu riêng cần tiêu thụ. Trong khi Việt Nam vẫn loay hoay xử lý các cảnh báo kỹ thuật, Thái Lan đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và được Trung Quốc “bật đèn xanh”, vươn lên dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân. 4 tháng đầu năm 2025, Thái Lan xuất khẩu tới 71.000 tấn, đạt 287 triệu USD, gấp đôi về sản lượng lẫn kim ngạch của Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – khẳng định với phóng viên Báo Công Thương, Thái Lan kiểm soát rất sát sao từ vườn đến kho, nên Trung Quốc yên tâm và mở luồng xanh. Còn Việt Nam, chỉ truy xuất đến cơ sở đóng gói thì chưa đủ. Sầu riêng miền Đông Việt Nam sắp vào vụ, tiếp đến là Tây Nguyên. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ mất thêm thị phần vào tay Thái Lan.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan Trung Quốc bắt đầu cho phép vận chuyển sầu riêng tươi từ Campuchia tuân thủ luật an toàn thực phẩm vào cuối tháng 4, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình ký một thỏa thuận rộng hơn với các quan chức tại Phnom Penh vào giữa tháng 4. Như vậy, Campuchia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á mới nhất tham gia vào thị trường sầu riêng “béo bở” tại Trung Quốc. Indonesia cũng chuẩn bị bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và các nhà sản xuất của Lào cũng đang tìm kiếm cơ hội để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Thái Lan từ lâu đã thống trị thị trường Trung Quốc, cung cấp 57% trong tổng số 6,99 tỷ USD sầu riêng nhập khẩu vào nước này vào năm ngoái. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 2 với thị phần 38%, trong khi Philippines và Malaysia đã bán tổng cộng 38,2 triệu USD (theo số liệu của Hải quan Trung Quốc).

Với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 là 3,2 tỷ USD, sầu riêng là 1 ngành hàng tiềm năng, mang lại giá trị cao và cần được sự quan tâm, đầu tư bài bản từ xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy đóng gói đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và quy trình xuất khẩu được minh bạch hóa, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, giải pháp kiểm soát từ vùng trồng nhằm rút ngắn thời gian xử lý tại cửa khẩu đã được đặt ra. Bên cạnh đó, chủ trương không phụ thuộc một thị trường cũng được quan tâm khi hiện nay Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang 15 quốc gia có nhu cầu cả sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh.

Tây Nguyên hiện không bị nhiễm cadimi – đây là một lợi thế rất lớn. Trong lúc chờ cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, để giữ thị trường cho ngành sầu riêng Đắk Lắk, ông Vũ Đức Côn cho biết, Hiệp hội đã “bắt tay” với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để xây dựng một chương trình hợp tác lâu dài.

Trước mắt sẽ tổ chức lấy mẫu nhằm đánh giá tình hình nhiễm cadimi và vàng O trên phạm vi toàn tỉnh, cũng như tìm ra được nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến việc tồn dư các chất cấm trên sản phẩm ra sao để có giải pháp phù hợp. Về lâu dài, sẽ xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở của Đắk Lắk để kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng một cách chủ động. Song song với đó là tổ chức kiểm soát và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện những công việc cụ thể…

Nông nghiệp không thể chạy theo giá cả ngắn hạn, mà phải hướng tới giá trị. Nông nghiệp phải chuyển từ cách tiếp cận “sản phẩm”, cái mình sản xuất ra được, sang cách tiếp cận “thương phẩm”, cái mà thị trường đặc định. Phải là một hành trình lâu dài của tri thức, kỹ năng và niềm tin. Mỗi quả sầu riêng chín đều hôm nay là kết tinh của trách nhiệm hôm qua và là niềm hy vọng cho ngày mai. Bởi, “Niềm tin là thứ nảy mầm chậm, nhưng nếu gieo đúng cách, sẽ trổ hoa bền lâu hơn cả vụ mùa”.

Nguyễn Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved