Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, chỉ xếp sau quả thanh long. Đặc biệt, từ sau khi ký nghị định thư với Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của nước ta tăng kỷ lục 294% trong tháng 10.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 79 triệu USD, tăng 294% so với tháng 10/2021. Mức tăng kỷ lục này đưa sầu riêng trở thành trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tháng 10 vừa qua.
Tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, chỉ xếp sau quả thanh long (giá trị xuất khẩu đạt 552,3 triệu USD, chiếm 32,5%).
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh. Tính từ 17/9 – ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu sang thị trường Trung Quốc.
Để phát triển bền vững, mới đây Bộ NN&PTNT yêu cầu các Sở NN&PTNT rà soát diện tích sầu riêng; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Liên quan đến xuất khẩu sầu riêng, giới kinh doanh nhìn nhận, thị trường Trung Quốc quan trọng không chỉ về triển vọng sản lượng. Một vấn đề khác là các công nghệ sau thu hoạch hiện có của Việt Nam chủ yếu giúp sầu riêng tươi giữ nguyên chất lượng để đi đường bộ 3-4 ngày, mà Trung Quốc là điểm đến khả thi.
“Việc đi xa hơn bằng container lại không có nhiều công nghệ làm được nên nếu đóng container đi biển, trái sầu riêng sẽ gặp rủi ro chất lượng”, một nhà xuất khẩu cho hay.
Tuy nhiên, cánh cửa chính ngạch mở ra chỉ là bước đầu, quả sầu riêng Việt Nam sẽ cần nhiều nỗ lực sắp tới. Vấn đề đầu tiên là sự phối hợp để giữ vững được chất lượng. Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước với khoảng 820.000 tấn, giá trị nhập khoảng 4,2 tỉ USD – mức cao lịch sử. Thái Lan đang là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang thị trường Trung Quốc. Dù đi sau nhưng các chuyên gia cho rằng nếu tận dụng tốt lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, bài bản thì ngành sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần, tiến tới vượt Thái Lan và chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Tính đến nay, có 11 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 4 nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với quả măng cụt, sầu riêng, chanh leo và chuối.
Tuấn Minh