Các nhà lập pháp Mỹ đặt ra vô vàn điều kiện để được kinh doanh buôn bán tại thị trường Mỹ, do vậy cho phí gia nhập thị trường là không hề ít.
Ngoài những đòi hỏi mang tính nguyên tắc khi buôn bán tại thị trường Mỹ, nhà xuất khẩu phải thường xuyên nắm bắt những diễn biến xung quanh. Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cho thấy, nhiều khi các biến động bên lề trở thành tác nhân chính gây ra rủi ro.
Thứ nhất là tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và VND. Bởi vì tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá hàng hóa xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Khi VND giảm giá thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thu được nhiều lợi nhuận hơn và ngược lại.
Chắc chắn doanh nghiệp đã hiểu rõ cách tính toán này, nhưng không phải tất cả đều biết “quỹ đạo” của đồng tiền quyền lực nhất thế giới. Tỷ giá hối đoái trung tâm USD/VND do Ngân hàng Nhà nước điều hành hiện nay là 24.014 đồng/USD, dự báo sẽ vượt qua mức 25.000 đồng. Như vậy, xuất khẩu sẽ được hỗ trợ.
Động thái của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) là yếu tố them chốt khiến tác động đến đồng USD, cụ thể là cơ quan này chưa chốt thời điểm cắt giảm lãi suất, nghĩa là chi phí sử dụng “đồng bạc xanh” trên toàn cầu chưa thể giảm xuống và giá trị USD vẫn còn được duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, USD gắn với dầu mỏ – loại năng lượng hóa thạch liên tục bị đặt dấu hỏi trong các hội nghị cấp cao toàn cầu về biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, hệ thống tài chính toàn cầu đã manh nha nhiều đồng tiền mới, có khả năng cạnh tranh với USD.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo có khả năng trở thành “bản vị” mới cho hệ thống tiền tệ trong tương lai. Đối với lĩnh vực này, Mỹ không còn nắm lợi thế duy nhất.
Thứ hai, chi phí khảo sát thị trường Mỹ, bao gồm các khoản phải chi trả tham gia hội chợ triển lãm; chi phí gặp gỡ đối tác, công ty thương mại; chi phí quảng cáo sản phẩm.
Tất cả các chi phí này đương nhiên được tính bằng USD, theo mặt bằng giá tại Mỹ. Hiện tại, kinh phí phải trả cho một mẫu quảng cáo trên các tờ báo online ở “xứ cờ hoa” thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới.
Ông Rob Schwartz – Chủ tịch của TBWA New York Group ước tính rằng một thương hiệu sẽ cần từ 25.000 – 125.000 USD cho chi phí chạy một trang quảng cáo trên một tờ báo lớn, bằng mức mà TBWB phải trả cho một quảng cáo toàn trang trên tờ New York Times.
Thứ ba, chi phí liên quan đến bên thứ ba, như môi giới Hải quan, giao nhận vận tải và có thể là đại diện hoặc đại lý bán hàng tại Mỹ. Quy mô thị trường môi giới Hải quan Mỹ được định giá khoảng 4,93 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên 6,28 tỷ USD vào năm 2028.
Diện tích nước Mỹ rất rộng, nên cước vận tải chiếm phần khá lớn trong chi phí gia nhập thị trường này. Tuy nhiên, thị trường môi giới Hải quan, vận tải ở Mỹ rất cạnh tranh, cho phép nhà xuất khẩu có nhiều chọn lựa với nhiều mức giá khác nhau.
Thứ tư, chi phí sửa đổi có thể xảy ra với bao bì, nhãn mác để thích hợp với tiêu chuẩn, thị hiếu người tiêu dùng Mỹ. Ví dụ, Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ đã điều chỉnh bao bì nhãn mác đối với thực phẩm và đồ uống, nhà sản xuất phải khai báo thêm lượng đường và thành phần dinh dưỡng…
Trương Khắc Trà