Thách thức ngày một lớn
Tại Hội thảo Xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản sang thị trường châu Âu, do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức gần đây, ông Trần Ngọc Quân- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho hay: Xu hướng xanh hoá tại châu Âu có 2 vấn đề cần lưu ý là Thoả thuận xanh châu Âu (EGD) và Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (F2F)
Năm 2019, EGD đã được khởi động. Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt tăng trưởng về kinh tế. Điều này có nghĩa các sản phẩm bán tại thị trường châu Âu sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. “Nếu xuất khẩu sang châu Âu, doanh nghiệp cần phải biết các chính sách trong EGD có thể tác động đến doanh nghiệp ra sao và chuẩn bị điều kiện ứng phó”, ông Trần Ngọc Quân nói.
EGD bao gồm một số nội dung chính: Tham vọng về khí hậu của châu Âu ở mức cao hơn cho năm 2030 và 2050; không gây ô nhiễm môi trường, không chất độc hại; cung cấp năng lượng sạch, giá cả hợp lý và an toàn; bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; thúc đẩy nền kinh tế sạch và bền vững; sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên trong xây dựng và cải tạo…
Nội dung chính của F2F bao gồm 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030: Giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hoá học; giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại… Để đảm bảo công bằng, châu Âu sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác áp dụng tiêu chuẩn tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho rằng, đây là vấn đề cần nghiêm túc nghiên cứu khi muốn tiếp cận thị trường châu Âu lâu dài.
Cơ hội từ thị trường xanh
Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2022, ông Bartosz Cieleszynski- Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam từng khẳng định: Việt Nam có thể thu nạp được nhiều lợi ích liên quan đến ứng dụng và thúc đẩy công nghệ xanh. Thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển. Xuất khẩu xanh hay chính xác hơn là việc xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp hoặc sản phẩm môi trường là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường.
“Công nghệ xanh không vượt ngoài tầm tay của Việt Nam, mỗi doanh đều có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại xanh. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ các ngành chủ lực xuất khẩu như nông – lâm – ngư nghiệp”, ông Bartosz Cieleszynski nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Quân bày tỏ, cả trong ngắn và dài hạn Việt Nam đều có cơ hội từ thị trường xanh.
Về ngắn hạn, nhà nhập khẩu ở châu Âu chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm vào thị trường châu Âu tuân thủ các nguyên tắc của EGD, do đó sẽ tìm cách hình thành quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng với mục đích cải thiện các hoạt động môi trường và xã hội. Đối tác này sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chuyển đổi sang chế biến và sản xuất hàng hoá bền vững hơn.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực ngày càng tăng của châu Âu đối với hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đổi mới bởi cả hai đều là yếu tố trung tâm của EGD và của F2F.
Trong dài hạn, châu Âu đang thiết lập các chương trình hỗ trợ đặc biêt là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang việc tuân thủ các quy định mới trong EGD. Sẽ có các công cụ và cơ chế tốt hơn để cung cấp thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp và cải thiện các hoạt động chế biến, sản xuất một cách hài hoà, chẳng hạn như hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp sẽ không cần phải tuân theo vô số yêu cầu thông tin từ những người mua khác nhau.
“Nhiều chính sách và biện pháp lập pháp của EGD được xây dựng dựa trên các quy định hiện có mà doanh nghiệp đang xuất khẩu sang châu Âu có thể đã tuân thủ. Việc lồng ghép tính bền vững trong các quy trình sản xuất sẽ không chỉ mang lại cơ hội hợp tác thương mại với châu Âu mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh trên các thị trường khác”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.
Việc tuân thủ các quy định xanh rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng cũng phải khẳng định đây là việc không dễ dàng, nhất là với vấn đề chi phí chuyển đổi sản xuất. Bản thân thông tin về các quy định xanh của châu Âu hiện cũng chưa thực sự đầy đủ.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Quân thông tin: F2F được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cách thức sản xuất, vận chuyển, phân phối và tiếp thị thực phẩm. Từ quý I/2023, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang châu Âu sẽ phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến ghi nhãn và thông tin, tuân thủ việc sử dụng ít thuốc trừ sâu và phân bón hoá học hơn.
Bên cạnh đó, với luật hữu cơ mới các quy tắc về ghi nhãn không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến sản phẩm.
Chỉ cho phép sử dụng các thuật ngữ như hữu cơ và sinh thái nếu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ. Theo đó, nhà sản xuất cần lưu ý thiết kế bao bì sản phẩm không quá giống với màu sắc (xanh lá cây và trắng) và hình dạng (lá) của biểu trưng châu Âu Bio bởi có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.