Cứ kinh qua mỗi đợt biến động, tính chất của nền kinh tế lại phơi bày rõ ràng…
Chưa năm nào như năm nay, mới ra tết Nguyên đán dưa hấu tràn về nông thôn, dưa hấu rẻ hơn…bèo, 1 quả 5kg khoảng 10 ngàn đồng, trái tròn mọng, rất ngọt. Ai cũng có thể mua một vài quả về ăn chơi. Nhưng với những người trồng ra nó thật sự đắng cay!
Mặc dù công nghiệp hóa, hiện đại được hô hào đẩy mạnh, nhưng trong từng ngõ ngách kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn không thể bỏ được con cá, mớ rau. Với nông nghiệp, nồi cơm của người nông dân là hàn thử biểu chuẩn xác nhất.
Thật không may, Việt Nam tuy không là nơi xuất hiện dịch Corona, song chắc chắn sẽ là quốc gia chịu thiệt hại rất lớn: Cửa khẩu tạm đóng, nông sản ùn tắc, đồng nghĩa với bao nhiêu công sức của cả nền kinh tế coi như đổ bỏ.
Trong khi cả nước đang tưng bừng đón năm mới, vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp khẩn tìm cách cứu…thanh long!
Cuộc họp đã đi đến thống nhất một quan điểm rất bất lợi cho người nông dân, theo đó từ ngày 3 đến ngày 10 Tết tất cả các kho dự trữ ngưng nhận hàng thanh long của nông dân và thương lái mà các nhà kho đã đặt cọc thu mua trước đó.
Nguyên nhân đã biết, do diễn biến phức tạp từ Virus Corona khiến hai nước Việt Nam – Trung Quốc tạm thời đóng cửa một số khu vực biên mậu, hoạt động xuất nhập khẩu tạm thời đóng băng.
Nói với báo giới, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết: “Không chỉ thanh long, ngay cả xoài hay sầu riêng là những loại trái cây chưa được Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu chính ngạch cũng bị ảnh hưởng lớn, hàng bị tồn kho, tổn thất nặng nề”.
Cho đến nay chưa có quốc gia nào sản xuất được vắc-xin trị Corona, chính vì thế ngày thông quan chính thức vẫn còn bỏ ngỏ, đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam như “chỉ mành treo chuông”.
Corona đang lây lan mạnh ở châu Âu, châu Mỹ, trong tác động chung lên kinh tế toàn cầu Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng bởi nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.
Không loại trừ trường hợp dịch Corona kéo dài thêm vài tháng, trong tình cảnh này ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nói riêng có phương án ứng phó ra sao, hay rồi lại khoanh tay chịu trói, đặc biệt là thanh long – 90% sản lượng bán sang Trung Quốc!
Corona là chủng virus chưa từng xuất hiện, chẳng khác nào mối họa từ trên trời rơi xuống, nhưng lại phải nói về khả năng chống chịu của nền kinh tế – một loại chỉ số được quốc tế xếp hạng hẳn hoi.
Trong mọi bản báo cáo cuối năm, những lần trả lời chất vấn tại Quốc hội, ngành nông nghiệp chủ yếu nói về thành tích bằng con số, các giải pháp giải quyết khó khăn tồn đọng lâu nay. Nhưng rất ít thấy đề cập đến kịch bản ứng phó với thiên tai, dịch họa có thể xảy ra – mà thực tế nó không hề hiếm.
Đúng là không ai có thể tiên lượng chính xác tương lai, song việc chủ động “sản xuất – chế biến – xuất khẩu/tiêu thụ” trong nước là vấn đề được nhắc đến từ lâu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối mặt với khó khăn lần này, ước gì Việt Nam có một hệ sinh thái nông nghiệp vững vàng: Sản xuất tập trung, bảo quản tiêu chuẩn, chế biến sâu, thị trường xuất khẩu ổn định…, lúc đó sẽ an tâm hơn với mọi trở ngại.
Vì sao thanh long Việt Nam mãi mãi chịu cảnh…rẻ như bèo? Trong khi đó mỗi lon nước ép chanh dây xuất xứ từ Anh quốc có giá 6USD (tương đương 140 nghìn đồng) được bán tại TPHCM.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông sản chiếm từ 40 đến 70% tổng thị phần xuất khẩu nước ta. Đơn cử, Trung Quốc chiếm khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng rau, quả; hơn 22% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam…
Cứ kinh qua mỗi đợt biến động, tính chất của nền kinh tế lại phơi bày rõ ràng. Nền nông nghiệp Việt Nam vốn yếu nền móng nên dịch Corona thực sự là nỗi lo không hề nhỏ, mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD nông sản năm nay quả không dễ!