Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 15% trong 5 tháng đầu năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 5/2025 của Việt Nam ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 19,6% so với tháng 5/2024; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2025 đạt 28,04 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024…

Trong đó, nhóm hàng nông sản tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng với kim ngạch đạt 15,29 tỷ USD (tăng 16,3%). Xuất khẩu lâm sản đạt 7,48 tỷ USD (tăng 11,7%), trong khi thủy sản cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đạt 4,11 tỷ USD (tăng 15,1%). Một số nhóm hàng khác như sản phẩm chăn nuôi, vật tư đầu vào và muối cũng cho thấy sự chuyển động tích cực, phản ánh tín hiệu phục hồi tương đối đồng đều trong toàn ngành.

Cụ thể, nhiều ngành hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về giá trị, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu cà phê đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng tới 65,1% dù khối lượng chỉ nhích nhẹ 0,9%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.726 USD/tấn, tăng 63,7% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng chưa từng ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Tương tự, hạt tiêu giảm 13,6% về sản lượng nhưng giá trị vẫn tăng 39,2% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng hơn 61%. Hạt điều và cao su cũng đi theo xu hướng này: lượng giảm nhưng giá trị vẫn tăng nhờ giá bán bình quân cải thiện lần lượt 25,7% và 27,3%.

Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào cũng thuận lợi. Xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn (tăng 12,2%) nhưng giá trị chỉ đạt 2,34 tỷ USD, giảm 8,9% do giá xuất khẩu bình quân giảm gần 19%. Thị trường Philippines – chiếm 41,4% thị phần – giảm mạnh về giá trị, trong khi xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà và Trung Quốc tăng mạnh.

Mặt hàng rau quả cũng ghi nhận mức giảm 16% về giá trị xuất khẩu. Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn nhất – giảm tới 32,8%, ảnh hưởng đáng kể tới tổng kim ngạch. Dù vậy, một số thị trường như Hoa Kỳ (tăng 66%) và Hồng Kông (tăng gấp đôi) cho thấy dư địa phục hồi còn lớn, nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt yêu cầu thị trường.

Ở nhóm thủy sản, kim ngạch đạt 4,11 tỷ USD, tăng 15,1%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất, lần lượt chiếm 20%, 16,6% và 15,3% thị phần. Điều đáng lưu ý là giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 61,5%, trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản chỉ tăng lần lượt ở mức 14,5% và 11,5%.

Dây chuyền sơ chế tôm xuất khẩu tại huyện Bình Chánh, TP HCM.

Về các thị trường xuất khẩu chính, xét theo vùng lãnh thổ, châu Á vẫn là khu vực tiêu thụ lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với 42% thị phần, song mức tăng chỉ đạt 1,8%. Ngược lại, xuất khẩu sang châu Âu tăng mạnh 46,8%; châu Mỹ tăng 17,2%, và châu Phi tăng tới 94,1%. Số liệu này cho thấy xu hướng mở rộng thị trường sang các khu vực ngoài châu Á đang diễn ra rõ nét.

Tính riêng thị trường chi tiết, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thị phần 20,5%, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ hai với 17,3% thị phần (giảm nhẹ 0,2%) và Nhật Bản đứng thứ ba với 7,3% (tăng 25,9%).

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Theo đó, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…

Bích Diệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved