Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu kỳ vọng tạo sức bật mới trong thời kỳ dịch bệnh

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra câu chuyện xuất khẩu cho nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đi vào thực thi.

Mặc dù liên tục đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu nhằm mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng từ 4-5% so với năm 2020, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp cần tổ chức sắp xếp lại chiến lược và định hướng sản xuất kinh doanh.

Đây là những giải pháp lâu dài nên duy trì thường xuyên để tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng cũng như tạo lực đẩy giúp cán cân thương mại có thể đảo chiều vào những tháng cuối năm.

xuat-khau-1

Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhập siêu trở lại

Ngay những tháng đầu năm 2021 khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3, Bộ Công Thương đã bám sát diễn biến dịch bệnh cũng như tình hình thị trường để chủ động triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Không dừng lại ở đó, thông qua nền tảng thương mại điện tử nhiều chuyến hàng của Việt Nam đã cập bến Nhật Bản, hay đến Pháp, Hà Lan, Singapore và nhận được sự ưa chuộng. Mới đây nhất, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (Đức).

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra câu chuyện xuất khẩu cho nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đi vào thực thi.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua Bộ Công Thương đã rất chú trọng xúc tiến thương mại qua kết nối giao thương, khai thác các lợi thế từ các FTA đã ký kết và có hiệu lực nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng với những giải pháp linh hoạt, kịp thời nhằm kích thích tăng trưởng xuất khẩu, nhiều hội nghị giao thương trực tuyến đã được tổ chức để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận đối tác, tìm kiếm bạn hàng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 5/2021 và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm đã có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 5/2021 và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, tính chung 6 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Dựa vào kết quả này, tháng Sáu cả nước nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD; cùng kỳ năm 2020 xuất siêu của cả nước là 5,86 tỷ USD.

Lý giải xung quanh việc nhập siêu thời gian gần đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng Các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may…

Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý 3, thậm chí quý 4 năm nay… nên nhập khẩu tăng là tất yếu.

Dù vậy, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích chỉ chiếm gần 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nên cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.

Hơn nữa, cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam tương đối ổn định và không có biến động, khi nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong nhập khẩu là tư liệu sản xuất.

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra rằng ở phía xuất khẩu, một số nhóm hàng vốn có kim ngạch xuất khẩu cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện giảm nhẹ so với tháng trước do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khi hoạt động của một số nhà máy tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang phải tạm ngừng để kiểm soát.

Nhìn chung, nhu cầu đầu vào gia tăng phục vụ sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho giai đoạn tới tăng, dẫn tới nhập khẩu tăng nhanh trong thời gian vừa qua là phù hợp.

Do đó, theo ông Trần Thanh Hải, nhập siêu quay trở lại thời gian gần đây không phải là vấn đề đáng lo ngại và không có gì bất thường, bởi nhập siêu chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất tới 90%.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chia sẻ mặc dù là nước xuất khẩu thuộc Top đầu thế giới, song ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Vì thế, việc nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao do ngành dệt may gần đây đã phục hồi trở lại với khối lượng đơn hàng cao và doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, góp phần giúp xuất khẩu dệt may tăng trưởng bất chấp khó khăn do dịch bệnh.

Chờ thêm lực đẩy

Bà Nguyễn Việt Hồng, Phụ trách Ban Kinh tế Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết sự bùng phát làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 thêm một lần nữa khiến cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Bởi thế trên cơ sở nền tảng về xúc tiến thương mại, nhiều chương trình trực tuyến đã tạo ra những cơ hội vàng để doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhất là không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu.

xuat-khau-2

Sơ chế vải xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đặt tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN).

Theo bà Nguyễn Việt Hồng, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến của Bộ Công Thương bởi qua đây đã giúp doanh nghiệp mở rộng thêm quan hệ, tiếp cận sâu với nhiều thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết FTA. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhiều chương trình hữu ích, thiết thực với từng ngành hàng cụ thể.

Ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế, cố vấn cấp cao Bộ Công Thương, cho rằng nếu cơ cấu nhập siêu trong 6 tháng đầu năm nay là nguyên liệu thì sẽ trở thành hàng hóa trong 6 tháng cuối năm và cán cân thương mại có thể sẽ hoán đổi vị trí.

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thị trường nước ngoài đã có dấu hiệu tích cực trở lại sau khi đã triển khai tiêm vaccine và nới lỏng các biện pháp giãn cách. Vì thế, doanh nghiệp cần thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, thủy sản.

Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ đẩy mạnh thông tin về nhu cầu nhập khẩu các nước, cập nhật về biến động thị trường nước ngoài giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường đối tác.

Mặt khác, nhằm đẩy mạnh khai thác cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các chương trình đào tạo, phổ biến cho doanh nghiệp dưới các hình thức đa dạng; trong đó có hình thức trực tuyến; xây dựng đầu mối hỗ trợ thực thi tại các bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chú trọng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp.

Để tạo thêm lực đẩy cho tăng trưởng xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thị trường, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các hiệp định FTA, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu bền vững./.

Theo vietnam+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved