Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước tính đạt 505 nghìn tấn, trị giá trên 3 tỷ USD.
Riêng tháng 11, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 80 nghìn tấn, trị giá 458 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 72,4% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 58,1% về lượng và tăng 39,1% về trị giá. Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước tính đạt 505 nghìn tấn, trị giá trên 3 tỷ USD, giảm 5,0% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.724 USD/tấn, giảm 4,5% so với tháng 10/2022 và giảm 12% so với tháng 11/2021. Lũy kế 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.948 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó trong tháng 10/2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều giảm so với tháng 10/2021, ngoại trừ hạt điều W180. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhiều chủng loại hạt điều giảm so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ hạt điều WS/WB, W180, SP, W210. Trên thế giới, tháng 11/2022, giá hạt điều thô xuất khẩu khá ổn định so với tháng trước. Theo ITC, giá hạt điều thô xuất khẩu tại Benanh ổn định ở mức 1.075 USD/tấn; Bờ Biển Ngà, Gana và Nigieria ổn định ở mức 1.025 USD/tấn.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu hạt điều, theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này tháng 10/2022 đạt xấp xỉ 27,7 triệu USD, tăng 18,7% so với tháng 10/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc tăng 61,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 241,44 triệu USD. Các nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc gồm: Việt Nam, Togo, Myanmar và Bờ Biển Ngà. Trong đó, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 89,06% trong 10 tháng năm 2021 xuống 88,78% trong 10 tháng năm 2022.
Cũng liên quan đến xuất khẩu điều, trước đó, ngành điều đã đề nghị hạ mục tiêu xuất khẩu cả năm nay xuống 3,2 tỷ USD thay vì 3,8 tỷ USD như đặt ra ban đầu do thị trường khó khăn. Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã phải đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật, hướng dẫn thực hiện quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ…
Vinacas còn kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng; đánh giá, quy hoạch ổn định lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích điều trong nước, cần có giải pháp hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu…
Mai Anh