Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như khoảng cách địa lý gần, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Do đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore tăng trưởng khá.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Myanmar, Brunei có mức tăng trưởng dương, trong đó hai thị trường đáng chú ý là Thái Lan và Singapore.
Với Thái Lan, Vụ Thị trường châu Á – Châu Phi cho biết, trong 02 tháng đầu năm 2023, tuy tổng kim ngạch thương mại song phương giảm nhẹ 6% (chủ yếu do giảm kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam), xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Những mặt hàng xuất khẩu trong nhóm hàng chế biến, chế tạo đạt giá trị và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất (đạt 801 triệu USD, tăng 17,8%) bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 197,2 triệu USD, tăng 80%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 118,6 triệu USD, tăng 30%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 95 triệu USD, tăng 6,3%).
Đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng, mặt hàng sắt thép các loại chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất (đạt 58,3%, tăng 40%). Trong nhóm nhiên liệu, khoáng sản, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu dầu thô lượng khá lớn sang Thái Lan, đạt giá trị 122,5 triệu USD, tăng 9%.
Với thị trường Singapore, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng như kim ngạch từng chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 677,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Singapore nằm trong nhóm chế biến, chế tạo. Cụ thể: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 144,3 triệu USD, tăng 8,4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 121,9 triệu USD, tăng 27,65%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 81,4 triệu USD, tăng 47,2%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (đạt 67,2 triệu USD, giảm 10,8%); Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 41,5 triệu USD, tăng 13,1%).
Liên quan đến xuất nhập khẩu, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang các thị trường trong khối ASEAN. Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào các nước ASEAN đều yêu cầu có chứng nhận Halal. Chứng nhận này cũng được coi như tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn.
Cùng với việc lưu ý doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang các nước ASEAN, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia trong khối.
Trong diễn biến liên quan, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Với dân số trên 650 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, có vị trí thuận lợi trong kết nối với Việt Nam, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác thị trường ASEAN và cải thiện vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị khu vực.
Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
Minh Anh