Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.
Xuất khẩu hàng hóa tăng 14,5%
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Trong đó, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng.
Cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,6%; gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về trị giá xuất khẩu; chè các loại tăng 32,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 17,4%; hạt tiêu mặc dù giảm 6,8% về lượng nhưng tăng tới 30,9% về trị giá xuất khẩu; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 5,9% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng xuất khẩu giảm 7,7%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 160,3 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,2%; sắt thép các loại tăng 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 16,2%; giầy dép các loại tăng 10%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,3%…
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,18 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; thị trường EU ước đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.
Đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ xuất khẩu
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có thể kể đến là kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu.
Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn nhất định, theo đó, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trái với dự báo trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và FED tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về vấn đề này. Xung đột Nga – Ukraine và mới đây là Israel – Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.
Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Ngoài ra hoạt động ngoại thương trong 6 tháng đầu năm còn có một điểm đáng chú ý là vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao dù thời điểm tháng 5-6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU do vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển; một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải, đặc biệt là cảng Singapore, lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5, 6 dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.
“Dựa trên đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn cũng như những kết quả tăng trưởng tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được phục hồi”, ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, để thúc đẩy hoạt động này từ nay đến đến cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường;…
Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.