Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục giữ giá cao trong tháng 6

Những ngày đầu tháng 6, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 – 15 USD/tấn so với tháng 5. Hiện thị trường xuất khẩu gạo khá ổn định, nhu cầu mua vẫn ở mức cao.

Giá gạo ở mức cao

Theo Bộ Công Thương, về tình hình giá gạo xuất khẩu, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4, thì sang đầu tháng 5/2022 đã giảm nhẹ về mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3. Nhìn chung giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tuy có tăng giảm từng thời điểm nhưng mức điều chỉnh không nhiều. Hiện gạo 5% tấm Việt Nam đã tăng trở lại mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán 403 USD/tấn và gạo 100% tấm giá bán 378 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo trong tháng 5 giảm nhẹ với chủng loại gạo 5% tấm, trong khi các loại gạo khác duy trì ổn định và tăng cao.

Theo ông Phan Văn Có – Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, trong tháng 5, các loại gạo chất lượng cao đều có xu hướng tăng với mức tăng từ 10 – 15 USD/tấn. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 USD/tấn; gạo Jasmine 540 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 USD/tấn; gạo Nhật 580 USD/tấn. Giá gạo khởi sắc một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các thị trường khác đều tăng trở lại, đặc biệt ở hai thị trường lớn là châu Á và châu Phi. “Những ngày đầu tháng 6, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 – 15 USD/tấn so với tháng 5. Hiện thị trường khá ổn định, nhu cầu mua vẫn ở mức cao”, ông Phan Văn Có cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho biết, trong tháng 5 thị trường xuất khẩu gạo tương đối ổn định, lượng khách hàng và đơn hàng tăng cao. Tại thị trường Philippines gạo chất lượng cao dao động ở mức 470 – 480 USD/tấn. Hiện giá gạo FOB từ TP. Hồ Chí Minh đối với gạo 5451 ở mức 480 USD/tấn, gạo Đài thơm 8 ở mức 505 USD/tấn.

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Đây là những tín hiệu tốt giúp thị trường tiếp tục khởi sắc.

5e8402371ecdf86705613f406511c90a

Giá gạo xuất khẩu ở mức cao trong tháng 5/2022

Cũng theo ông Thành, gạo thường Việt Nam là loại 504, 5451, Đài thơm 8… đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Đặc biệt, mọi năm Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo nhưng hiện nay nước này nhập khẩu sớm nên thị trường sôi động từ tháng 5.

Vẫn còn những khó khăn

Theo ông Phan Văn Có, mặc dù thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, giá gạo xuất khẩu vẫn neo ở mức cao. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay thị trường châu Phi đã chuyển sang mua gạo của Ấn Độ do giá tốt và chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cùng với giá cước vận tải ở mức cao khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường. “Hiện nay, giá cước đi các cảng chính tại EU vẫn ở mức 9.000 – 10.000 USD cho mỗi container 20 feet. Tình trạng thiếu container rỗng vẫn còn. Điều này khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh. Đáng chú ý nhiều đơn hàng bán CIF có thể bị lỗ”, ông Phan Văn Có đánh giá.

Ông Phan Văn Có cho rằng giai đoạn hiện nay, việc giữ ổn định gạo giá cao là bài toán khó khi giá cả vật tư nông nghiệp đang leo thang từng ngày khiến nông dân khốn khổ hơn khi sản xuất lúa. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo muốn giữ vững phong độ xuất khẩu thì phải ổn định sản lượng và phải giảm chi phí sản xuất mới có lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu mua tại các thị trường vẫn ở mức cao. Đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng giảm vì lũ lụt tại Trung Quốc, trong khi đó tại Philippines, nguồn dự trữ gạo đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay là gạo Việt đang bị cạnh tranh mạnh đối với gạo Thái Lan về mức giá và chất lượng. “Trong 3 năm gần đây, giá gạo Việt ở phân khúc trung bình luôn cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan. Tuy nhiên, với mặt hàng gạo chất lượng cao thì vẫn chưa cạnh tranh được”, ông Thành phân tích.

Về giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới, ông Thành cho rằng thanh khoản ít và giá sẽ khó tăng cao, mặc dù nhu cầu lớn. Nguyên nhân là do, một số nước vẫn còn lượng hàng tồn kho lớn. Ngoài ra, nhiều nước thiếu hụt nhưng chủ yếu dành cho đấu thầu hợp đồng quốc gia nên hợp đồng thương mại khó tham gia.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức nhiều phiên tư vấn xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN, Bắc Âu, Kuwait…. nhằm giải đáp và tư vấn cho doanh nghiệp quan tâm về thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu. Dự kiến, trong năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức 30 phiên tư vấn xuất khẩu tới các thị trường.

Hà Duyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved