Trong khi các ngành khác lo lắng về tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch COVID–19 thì xuất khẩu gạo lại được xem là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh hiện nay.
Hầu hết các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái Lan, Việt Nam… đều có những kết quả khả quan trong quý I/2020, thậm chí các đơn hàng còn nhiều hơn và yêu cầu được đáp ứng ngay lập tức. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo mức dự trữ tối thiểu hay an ninh lương thực nội địa lại đặt ra.
Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị và lượng tăng 15% so với cùng kì năm ngoái. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị. Điều này được xem có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch COVID-19.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói rằng, gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 – 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.
Không chỉ Việt Nam, một cường quốc xuất khẩu gạo khác là Thái Lan cũng đang “được mùa” xuất khẩu gạo do nhu cầu các thị trường nhập khẩu tăng vọt. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse, COVID–19 khiến nhiều nước muốn tăng dự trữ lương thực, trong đó gạo là sản phẩm số 1. Khách hàng muốn các nhà xuất khẩu Thái Lan sẵn sàng giao 100% số lượng đặt hàng ngay lập tức.
Tuy nhiên, để tránh việc các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều, ảnh hưởng tới dự trữ… Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành công văn hỏa tốc số 225/XNK-NS đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về dự trữ lưu thông và bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước.
Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước. Đồng thời, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức hệ thống phân phối gạo, cung ứng ngay lượng gạo tồn kho và lượng gạo dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường nội địa.