Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3/2022 (từ 1/3 đến 15/3), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt hơn 30 tỷ USD. Trong đó, điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 2 nhóm hàng xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trở lên.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,321 tỷ USD, tăng tới gần 76% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là gần 15,228 tỷ USD, tăng 20,3%. Như vậy, nửa đầu tháng 3, Việt Nam xuất siêu 93 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 69,78 tỷ USD, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 50,86 tỷ USD, chiếm 72,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là những nhóm có trị giá xuất khẩu cao.
Tổng kim ngạch nhập khẩu là gần 70,27 tỷ USD, khu vực FDI đạt 46,59 tỷ USD, chiếm 66,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Từ đầu năm đến 15/3, cán cân thương mại của nước ta thâm hụt với con số nhập siêu 491 triệu USD.
Từ đầu năm đến 15/3, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 11,13 tỷ USD, tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2021, nhóm hàng này bị sụt giảm gần 600 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương giảm gần 5%).
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch gần 800 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của các nhóm hàng điện tử chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU…
Ngoài 2 nhóm hàng lớn kể trên, còn nhiều nhóm hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…
Minh Đức