Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu đạt 340 tỷ USD vào năm 2025

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 330 tỷ USD.

Đây là mục tiêu được đưa ra trong báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Bộ Công Thương công bố. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 đặt ra nhiều mục tiêu phát triển mới, trong đó, về phát triển công nghiệp, phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2025 đạt trên 35%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 7,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm.

Hình thành thí điểm được một số cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa trong một số ngành công nghiệp như dệt may, da dày, điện tử, chế biến thực phẩm.

Về xuất nhập khẩu, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân từ 5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 5%. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ tăng trưởng trung bình từ 7-10%/năm.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 4,9%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 330 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 6%.

Về phát triển thương mại trong nước: Giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP vào năm 2025. Tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 – 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) phấn đấu đạt khoảng 9 – 9,5%/năm. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2025 đạt khoảng 35 – 40%.

Phấn đấu đạt trên 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại như: Sở giao dịch hàng hoá, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại.

Để đạt được mục tiêu đặt ra cho giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với nhiều giải pháp như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Xây dựng kết cấu hạ tầng động bộ, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo vừa công bố nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam. WB nhận định, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững, thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, nhờ sự đóng góp các doanh nghiệp nội địa.

Trong tháng 7, nền kinh tế tiếp tục hồi phục, với sản lượng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% so với cùng kỳ, cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019.

Điểm nhấn của Báo cáo này là hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giữa ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ, chủ yếu nhờ sự đóng góp các doanh nghiệp nội địa chứ không phải của doanh nghiệp nước ngoài.

Số liệu từ Bộ Công Thương ghi nhận, xuất khẩu tháng 7/2020 đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%.  Tính chung xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này. Ảnh hưởng kinh tế của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8%, dù là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua.

Linh Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved