Khoảng 300 Hiệp định thương mại đang có hiệu lực tạo ra luồng thương mại chủ đạo, chính thống khắp toàn cầu.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều khung khổ pháp lý thương mại đã ký kết. Hiệp định thương mại Việt – Trung 1991, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc 2003, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực – RCEP 2020.
Nhưng hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản phần lớn xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Đây là nguyên nhân thường xuyên gây ra tắc nghẽn, ùn ứ một khi bên kia biên giới thay đổi chính sách.
Như vậy, bài học đầu tiên, mang tính phổ quát với thông lệ quốc tế là dựa vào các Hiệp định Thương mại đã ký kết. Phần lớn khối lượng xuất nhập khẩu toàn cầu hiện nay dựa vào 300 Hiệp định Thương mại đã ký, trong đó châu Á có 56 Hiệp định.
Riêng tại châu Á, thời điểm đầu thế kỷ 21 chỉ có 3 Hiệp định Thương mại, thì 1 thập kỷ sau tăng lên gần 20 lần. Điều này cho thấy, buôn bán, trao đổi bằng Hiệp định là xu thế chung toàn cầu, đáp ứng đòi hỏi của toàn cầu hóa.
Có thể lấy hình mẫu khu vực thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) làm ví dụ, trong đó Canada và Mexico là hai nền kinh tế giáp biên giới “gã khổng lồ” Mỹ, hiệp định giúp Mỹ và Canada xuất khẩu công nghệ, hàng hóa sang nước yếu hơn, Mexico; ngược lại Mexico xuất khẩu nhân lực, nguyên liệu ngược trở lại.
Nhiều đời Tổng thống Mỹ muốn áp đặt luật chơi lên hai thành viên còn lại như điều khoản “mua hàng Mỹ”, nghĩa là các dự án xây dựng trong NAFTA phải nhập thiết bị, máy móc, vật tư của Mỹ.
Mexico và Canada không đồng tình với điều khoản này, đánh thuế đáp trả các mặt hàng sữa, thực phẩm, thuốc men của Mỹ ngay tại biên giới, nên năm 2019, Tổng thống Trump phá bỏ NAFTA nâng cấp thành USCMA để tạo đồng thuận.
Điều này có thể rút ra bài học, xuất khẩu chính ngạch quốc tế là cuộc chơi công bằng, dựa vào khung khổ pháp lý đã đặt bút phê duyệt, trong đó quyền lợi, vai trò của các bên là ngang nhau. Không có chuyện ai chịu thâm hụt cho ai và ai làm thị trường lép vế cho ai.
Cần thiết sử dụng biện pháp “răn đe” trong một số trường hợp. Ở giác độ khác, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng là cách giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại, giúp thiết lập lại công bằng.
Israel áp dụng “quota” đối với sản phẩm nông nghiệp, trong đó số lượng tiêu thụ nội địa và khối lượng xuất khẩu định sẵn từng năm, không bao giờ có sản phẩm thừa, dĩ nhiên tất cả đều xuất khẩu chính ngạch thông qua hợp đồng quốc tế.
Đây là biểu hiện đặc trưng nhất của nền “nông nghiệp hàng hóa”, tức là sản xuất theo nhu cầu của thị trường chứ không phải sản xuất bằng tất cả những gì mình có.
Năm 1975, Israel đã đạt được thỏa thuận thương mại đầu tiên với các quốc gia thuộc thị trường chung châu Âu, kể từ đó Tel Aviv ký hàng loạt thỏa thuận tương tự, từ châu Mỹ sang châu Âu, châu Á trong đó có Việt Nam.
Hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của Israel được hỗ trợ bởi các Hiệp định thương mại. Thị trường buôn bán của doanh nghiệp Israel bao phủ toàn cầu, nhưng Mỹ và EU được xác định trọng tâm.
Tất cả những nền nông nghiệp lớn đều sở hữu “đặc phẩm”, dựa vào đó để marketing cho toàn ngành. Ví dụ, thịt bò Kobe Nhật Bản, không hề hiếm như ta nghĩ, nhưng người Nhật biết cách tạo ra khan hiếm bằng cách siết chặt xuất khẩu, quy trình đàm phán mua hàng thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mới đạt được thỏa thuận.
Thị trường Anh quốc chỉ có 1% hàng Việt, trong khi năm vừa rồi nước này chi 446 tỷ bảng nhập khẩu. Ông Thái Trần, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở Anh nói với BBC rằng “làm ăn tại Anh đồng nghĩa với thượng tôn pháp luật, không có chuyện lót tay, bẻ cong vấn đề dựa trên quan hệ tình cảm…”.
Doanh nhân này rút ra bài học khi nhập hàng từ Việt Nam, chỉ một lô hàng không đáp ứng yêu cầu của Cơ quan quản lý động, thực vật Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến tương lai làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp.
Trương Khắc Trà