Chuyển tới nội dung

Xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn trong 8 tháng qua

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,21 triệu tấn; kim ngạch 2,97 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù trong 8 tháng qua, xuất khẩu cà phê ước tính vào khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với tổng lượng cà phê đã xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước. Song giá cà phê xuất khẩu, đặc biệt là cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ lực của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8 (sáng 30/8, giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta cũng ghi nhận mức tăng 0,49% trong phiên hôm qua, đưa giá hiện tại lên mức 2.449 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam ảm đạm làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê trung bình 7 tháng đầu năm nay đạt 2.828 USD/tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục thời gian qua.

Bên cạnh đó, giá cà phê Arabica đảo chiều tăng nhẹ 0,23%. MXV cho biết, việc chỉ số Dollar Index ghi nhận mức giảm 0,51% trong phiên hôm qua đã kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm 0,43%. Như vậy, chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của hai quốc gia nhập và xuất khẩu chính bị thu hẹp, khiến nông dân Brazil hạn chế việc bán hàng do thu về ít đồng Real hơn. Trong khi đó, tính đến ngày 29/8, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm sâu về mức 500.931 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong hơn 9 tháng qua.

Xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn trong 8 tháng qua.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng liên tục trong thời gian gần đây là do cung không đủ cầu, trong đó thời tiết là một trong những nguyên nhân chính. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Ngành cà phê Việt Nam đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.

Nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững, đến nay đã có gần 46.000ha cà phê ở Đắk Lắk được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận của Việt Nam và quốc tế. Tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 17.508 hộ nông dân, đang quản lý diện tích 19.773ha cà phê. Toàn tỉnh có 54 tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích hơn 6.000ha.

Là địa phương trồng cà phê lớn của cả nước với diện tích trên 98 ngàn ha, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 46.000 ha sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, Rain Forest…

Phương Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved