Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện cả nước đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, tháng 8/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Trong đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh.
Đơn cử, với nhiều ngành trong nhóm công nghiệp chế biến hiện đang bị đứt gãy cung cầu do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, 1 cung đường 2 điểm đến. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Về triển vọng thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm, hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Trong đó, việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.
Theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.
Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, các Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất như tạo luồng xanh trong vận chuyển, lưu thông mặt hàng gạo bằng đường thủy, tạo điều kiện về giờ làm việc cho nhân viên tại các cảng biển.
Gần nhất là đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp giấy chứng nhận hàng hóa cho doanh nghiệp.
Các đơn vị thuộc bộ cũng thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường và có khuyến cáo kịp thời cho doanh nghiệp. Cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian qua, có thể kỳ vọng hoạt động xuất khẩu hàng hóa khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.
Về cán cân thương mại, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III, xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV thường tăng cao. Trên cơ sở sơ bộ tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4 – 5%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 163/BCT-KH ngày 19/1/2021 (4 – 5%). do đó dự kiến, năm 2021 có thể nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.
Linh Nga