Vừa qua, các nhà khoa học tại Vương quốc Anh đã phát hiện thêm 1 biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 mang đột biến có khả năng kháng miễn dịch.
Theo đó, chủng mới có tên gọi B1525 với “đột biến gây lo ngại” được phát hiện tại Anh với ít nhất 32 ca nhiễm sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh (Anh) phát hiện ra bằng biện pháp giải trình tự gen với mẫu bệnh phẩm thu thập tại 10 quốc gia, trong đó có Mỹ, Australia và Đan Mạch.
Kết quả cho thấy các chuỗi lây nhiễm biến chủng B1525 sớm nhất được ghi nhận từ tháng 12/2020 tại Nigeria và Anh. Bộ gen của B1525 có nhiều điểm tương đồng với biến chủng B117. Mặt khác, B1525 có nhiều đột biến khiến các nhà khoa học lo ngại, bao gồm kiểu đột biến E484K ở protein gai.
Đây là loại protein trên virus corona đóng vai trò quan trọng đối với cơ chế xâm nhập tế bào cơ thể người, được cho là giúp virus “lẩn trốn” tốt hơn các kháng thể trung hòa do cơ thể sản xuất.
Simon Clarke, chuyên gia về vi sinh học tế bào tại Đại học Reading nhận định, mặc dù mức tác động của các đột biến đối với khả năng lây nhiễm và độc tính của các biến chủng mới vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, đột biến E484K có thể giúp chủng B1525 kháng lại một vài vắc xin ở mức độ nhất định, tương tự như biến chủng Nam Phi.
“Các biến thể đang đối phó tốt hơn khi khả năng miễn dịch đã bắt đầu hình thành trong cộng đồng”, chuyên gia này cho biết. “Hệ thống miễn dịch của con người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các đột biến tồn tại và được truyền đi. Khi hệ thống miễn dịch không ngừng cố gắng xác định và tiêu diệt virus, những đột biến dẫn đến một biến thể dễ lây truyền hơn hoặc những biến thể thoát khỏi hệ thống miễn dịch có khả năng tồn tại tốt hơn” – vị chuyên gia phân tích.
Đó là lí do vì sao các biến thể B117, B1351 và B1525 mới được phát hiện đã được chứng minh là lây lan nhanh hơn nhờ việc sở hữu đặc điểm chung là có đột biến giúp lẩn trốn hệ miễn dịch tốt hơn. Đồng thời, các chủng biến thể nêu trên cũng xuất hiện nhiều hơn ở những khu vực đã trải qua nhiều đợt bùng phát COVID-19 và có dân số đạt mức độ miễn dịch cao hơn.
Mặt khác, khi quan sát trong các trường hợp nhiễm COVID-19 mãn tính cho thấy, virus tiếp tục phát triển nhưng hệ thống miễn dịch sau một thời gian chiến đấu trong nhiều tháng đã không thể tiêu diệt được virus, dẫn đến suy yếu nhanh chóng. Do đó, các ca bệnh COVID-19 có bệnh lí nền nghiêm trọng sẽ có nguy cơ khó đối phó với các biến thể mới.
Chính vì vậy, chuyên gia Simon cảnh báo, nếu đột biến thành công, có thể nói rằng mọi miễn dịch của cơ thể được xây dựng bằng vắc xin hiện nay hoặc đề kháng sau nhiễm COVID-19 sẽ thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, đến khi giới khoa học có thể hiểu rõ hơn về các biến chủng của virus SARS-CoV-2, các quốc gia cần chú ý đến tất cả các trường hợp nhiễm biến chủng mang E484K để đẩy mạnh xét nghiệm hàng loạt.
Việc các chủng biến thể mới xuất hiện hàng loạt trong thời gian gần đây đã khiến các nhà khoa học lo ngại về một đợt dịch mới nguy hiểm hơn khi số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tăng ồ ạt trong quý cuối cùng của năm 2020. Có khoảng 35 triệu ca nhiễm được ghi nhận trên toàn thế giới trong chín tháng đầu năm 2020, nhưng chỉ mất hai tháng để nhân đôi con số đó khi các biến chủng của SARS-CoV-2 được tìm thấy.
Trước mắt, giới quan sát cảnh báo, virus SARS-COV-2 sẽ tiếp tục đột biến trong tương lai khi khả năng bảo vệ bằng vắc xin và khả năng miễn dịch tự nhiên ngày càng tăng. Hiện nay, tỷ lệ đột biến tổng thể của SARS-CoV-2 bằng khoảng một nửa so với virus cúm khác và chậm hơn nhiều so với HIV.
Theo ông Julian Tang, nhà virus học thuộc Đại học Leicester (Anh) đánh giá, về cơ bản, giai đoạn đầu, các chủng virus chỉ có một số đột biến, và có thể dễ dàng thay đổi để có thể thích nghi tốt hơn với cơ thể con người. Nhưng sau khi trải qua giai đoạn thích ứng ban đầu này, chủng virus sẽ có ít cơ hội để thay đổi và các biến thể mới có thể ít xuất hiện hơn.
“Thế giới vẫn còn nhạy cảm với bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2, kể cả với chủng gốc. Do vậy, cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của tất cả các biến thể hiện tại và ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến thể khác là giảm số ca mắc bệnh thông qua các biện pháp giãn cách và tiêm chủng diện rộng”, chuyên gia Tang khuyến nghị.
Cẩm Anh