11 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong nhưng chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Báo cáo kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm (giảm bình quân khoảng 2-3% so với cuối năm 2023); an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán, ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra do tháng 12 thường có tỉ trọng thu cao, tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 11, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ (trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%, cao hơn nhiều khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 4,4%); nhập khẩu tăng 5,1%; xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%; nhập khẩu 296,67 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD).
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu 11 tháng gần 7,4 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4,16 tỷ USD, tăng 16,1% về lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ. Mặc dù tình hình khó khăn, nhưng cân đối cung cầu lao động vẫn cơ bản được bảo đảm.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng 10 và tăng 5,8% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 1%. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,3%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực.
Thứ ba, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Lúa gạo được mùa, được giá; năng suất lúa mùa tăng 0,3 tạ/ha; thu hoạch lúa mùa tăng 3,5%, gieo cấy thu đông tăng 9,4%; sản lượng thuỷ sản tăng 2,2%. Xuất khẩu nông sản 11 tháng đạt 47,84 tỷ USD; trong đó rau quả đạt trên 5 tỷ USD, tăng gần 72%.
Thứ tư, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10 và tăng 10,1% so với cùng kỳ (tháng 10 tăng 7%); tính chung 11 tháng tăng 9,6%. Khách quốc tế tháng 11 đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10,9% so với tháng trước; tính chung 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu lượt, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.
Thứ năm, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ, trong đó vốn FDI đăng ký mới tăng 42,4%. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% (10 tháng tăng 2,4%). Giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.
Thứ sáu, phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 11 có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% cùng kỳ, số vốn đăng ký tăng 47%. Tính chung 11 tháng có trên 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% (10 tháng tăng 2,9%).
Thứ bảy, công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt. Tiếp tục thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thứ tám, các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng, các chỉ tiêu về xã hội hoàn thành và cơ bản hoàn thành theo kế hoạch. Chủ động theo dõi, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiệm, dịch bệnh theo mùa; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các địa phương, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc).
Thứ chín, tình hình chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Thứ mười, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra liên tục thành công, tạo cơ hội mới cho đầu tư, thương mại, góp phần tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách khoa học, kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị; cầu thị lắng nghe, điều chỉnh kịp thời; kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, nguồn lực trong nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Thy Hằng