anh-minh-hoa-5

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước được dự báo đi ngang hoặc có phần giảm bớt so với mức nền cao của 2021.

Cụ thể trong Báo cáo Triển vọng Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2022 (TTCK), CTCK KB Việt Nam (KBSV) đã nhận định, số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao cho thấy sức hút TTCK trong năm 2021, theo đó số tài khoản mở mới 2021 gấp hơn 3 lần so với năm 2020, nguyên nhân là do mặt bằng lãi suất huy động giảm, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế gặp khó khăn khiến nguồn tiền nhàn rỗi gia tăng trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, sang năm 2022, KBSV nhận định dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước được dự báo đi ngang hoặc có phần giảm bớt so với mức nền cao của 2021. Vậy đâu là nguyên nhân?

Đầu tiên, chuyên gia KBSV cho rằng lãi suất huy động dự báo tăng 0,5%. “Chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn nhằm duy trì tính cạnh tranh”, chuyên gia KBSV nhận định. Nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%. Diễn biến này sẽ có những tác động tiêu cực nhất định đến dòng tiền trên TTCK nhưng chưa ở mức đáng lo ngại.

Thứ hai, một phần dòng tiền bị rút ra quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi nền kinh tế dần đi vào trạng thái bình thường mới.

Và thứ ba, đà tăng dốc của thị trường trong giai đoạn 2020-2021 nhiều khả năng sẽ không lặp lại, thay bằng xu hướng tăng thoải với các nhịp tăng/giảm đan xen khiến sức hấp dẫn của thị trường giảm bớt đối với dòng tiền nóng.

chung-khoan-tang

Dòng tiền khối ngoại được dự báo tiếp tục bán ròng trong năm 2022

Bên cạnh đó, khối ngoại khó có khả năng sẽ mua ròng trở lại trong năm 2022 khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì. Khối ngoại đẩy mạnh rút ròng trong năm 2021 với tổng giá trị đạt gần 60.000 tỷ đồng, nối tiếp xu hướng bán ròng từ năm 2020 đến nay khi dịch COVID-19 bùng phát. Đà bán ròng của khối ngoại xuất phát từ việc xu hướng rút ròng ở hàng loạt các thị trường cận biên, mới nổi và chảy vào các thị trường phát triển do nền kinh tế suy yếu dưới tác động của COVID-19, kết hợp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh quá trình bình thường hoá chính sách tiền tệ. Cùng với đó là áp lực chốt lời gia tăng khi VN-Index tăng mạnh từ đáy đầu quý 2 năm 2020. Và cuối cùng, cơ cấu vốn hoá TTCK Việt Nam tập trung mạnh các ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp trong khi thiếu vắng các ngành thu hút mạnh dòng vốn toàn cầu trong 2 năm qua là công nghệ, dược phẩm.

Với xu hướng này của khối ngoại, chuyên gia KBSV tiếp tục cho rằng khó có khả năng khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong năm 2022 khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì, đặc biệt trong bối cảnh các nước phát triển đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ dưới áp lực lạm phát (Việt Nam dù đang có lạm phát tương đối thấp và đồng nội tệ tương đối mạnh vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng).

Tuy nhiên, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tác động đáng kể đến diễn biến thị trường, trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước (giá trị giao dịch của khối ngoại đang ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giao dịch toàn thị trường, giảm từ mức 20% trước 2020 xuống quanh 5-7% hiện tại).

KBSV đánh giá, các yếu tố có thể thúc đẩy khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường: TTCK Việt Nam giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn, quá trình thoái vốn cổ phần hoá sôi động trở lại, mở room ngoại hay cơ hội nâng hạng thị trường trở nên rõ nét hơn.

Nguyễn Long