18hrkz_CWPR

Thị trường văn phòng cho thuê sẽ có xu hướng dịch chuyển ra xa trung tâm

Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện nhân tố mới trên thị trường văn phòng cho thuê” do tạp chí VnEconomy tổ chức chiều 1/11, bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, cho biết giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới tất cả mọi người, dẫn đến tình hình thị trường văn phòng chậm lại đến hết năm 2021. Thị trường ghi nhận xu hướng nhóm các khách thuê lớn đang tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc lại văn phòng làm việc và đàm phán để đạt được những chính sách tốt hơn.

Báo cáo của Savills cho thấy, tại TP.HCM, công suất cho thuê trung bình ổn định ở mức 90%, không đổi so với quý trước nhưng giảm 4 điểm phần trăm theo năm. Phần lớn các giao dịch mới từ các công ty trong lĩnh vực phân phối (48%); tiếp đó là tư vấn (12%) và chăm sóc sức khỏe (9%). Nhu cầu thị trường trong quý chuyển dịch về các công ty phân phối mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe, vận chuyển.

Trong khi đó, tại Hà Nội, báo cáo của CBRE cho thấy một số ngành có giao dịch tích cực nhất là công nghệ thông tin, ngành sản xuất, chiếm gần 80% tổng diện tích giao dịch. Đáng chú ý, mặc dù giãn cách nhưng trong quý 3 không ghi nhận giao dịch trả hoặc thu hẹp mặt bằng nào từ các toà nhà văn phòng hạng A&B. Tỷ lệ trống cho hạng A và hạng B lần lượt là 10,8% và 9,8%. Diện tích hấp thụ toàn thị trường đạt 4.892m2 dù không nhiều nhưng vẫn khá lạc quan, nhất là trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Ở phương diện nhà đầu tư, theo bà Tạ Thị Thu Hằng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và cho thuê tài sản TNL cũng nhận định, mặc dù COVID-19 đã làm xuất hiện xu hướng thu hẹp phạm vi diện tích thuê để tiết kiệm chi phí hoặc dịch chuyển sang các khu vực khác.

van-phong-cho-thue

Văn phòng truyền thống sẽ có những thay đổi mới về không gian và cách bố trí như mô hình của Co-working Space

Mặc dù vậy, vẫn có một số ngành nghề gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí gia tăng, chẳng hạn như: công nghệ thông tin, sản xuất, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Theo bà Hằng, thị trường văn phòng cho thuê trong thời gian tới sẽ xuất hiện 3 xu hướng mà người tiêu dùng sẽ quan tâm, thứ nhất là văn phòng truyền thống, hai là officetell, ba là co-working. Tuy nhiên, bà Hằng cho biết, hai xu hướng trên vẫn không thể vượt qua được mô hình văn phòng truyền thống, đồng thời loại hình này tiếp tục phát triển nhưng sẽ có những tiến bộ hơn.

Đại diện TNL cho biết, khách hàng hiện nay đang có thiên hướng cơ cấu lại phần diện tích cho tối ưu, chỗ ngồi linh hoạt, nhưng có hệ thống kết nối mở rất lớn với xung quanh. Đây là mô hình mà các chủ đầu tư và khách hàng sẽ định hướng phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển ra bên ngoài là tất yếu, bởi vì quỹ đất ở trung tâm không còn nhiều, doanh nghiệp không những tiết kiệm được chi phí mà với những dự án mới thì tiêu chuẩn hạng A luôn được “update” liên tục.

Ngoài ra, xu hướng văn phòng đại diện hiện đang có sự dịch chuyển về các tỉnh, thành lân cận Hà Nội, TP.HCM, nơi phát triển rất nhiều khu công nghiệp, đặc biệt khi có sự đầu tư của FDI. Theo đó, ngoài trụ sở chính ở các thành phố lớn thì khách hàng có định hướng phát triển văn phòng vệ tinh ở các địa bàn lân cận.

Với vai trò là chủ đầu tư, bà Hằng cho rằng, thời điểm này doanh nghiệp cần linh hoạt có chính sách vừa song hành với khách hàng vừa giữ chân họ, hỗ trợ khách thuê đã ký hợp đồng bằng việc giảm giá.

“Tuy nhiên, điều quan trọng để giữ chân khách hàng là chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực, từ việc nâng cấp tòa nhà đáp ứng các yêu cầu. Khách hàng hiện nay không đơn giản chỉ nhìn ở giá thành nữa mà họ xem vị trí, tòa nhà đó có đảm bảo an toàn hay không, để khi đưa toàn bộ công ty, bộ máy của họ đến làm việc thì được đón nhận một môi trường thực sự an toàn và tiện ích”, bà Hằng nhấn mạnh.

Mai An