Chuyển tới nội dung

Xây dựng văn hóa thuần phong, mỹ tục trong gia đình Việt Nam

Gia đình giữ vai trò cơ bản quyết định trong việc xây dựng nhân cách con người. Xây dựng và phát huy truyền thống gia đình – là một việc vô cùng hệ trọng để thực hiện chức năng cơ bản đó. Vai trò giáo dục trong gia đình là hết sức quan trọng, bởi vì tất cả các thành viên trong xã hội đều nằm trong gia đình. Nếu mọi gia đình có nền nếp, có văn hóa, thì sẽ có xã hội văn hóa.

Văn hóa thanh lịch là niềm tự hào của người Hà Nội.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa. Hàng nghìn năm, vị trí kinh đô khiến thành phố trở thành nơi quy tụ của những nhân vật ưu tú, những thương nhân, nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề. Họ tới đây lập nghiệp, mang theo những phong tục, tập quán địa phương và Hà Nội trở thành mảnh đất tiêu biểu cho nền văn hóa của cả Việt Nam.

Những nét văn hóa thường được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, truyền thống ẩm thực, những thú vui giải trí…

Người Hà Nội khéo léo và tinh tế hơn trong việc chế biến những món ăn. Họ thường có những thú vui tao nhã như chơi hoa, trồng cây cảnh, nuôi chim…, dù thành phố ngày nay đã trở nên chật chội. Trang phục của người Hà Nội, dẫu thay đổi nhiều theo thời gian, vẫn được xem là trang nhã và duyên dáng.

Trong ứng xử hàng ngày, phong cách của người Hà Nội xưa vẫn được xem như chuẩn mực của sự lịch lãm… Trong đó có các món ăn nức tiếng Hà thành, như: Phở Hà Nội, ẩm thực đặc sắc Việt Nam; cốm làng Vòng, độc đáo bởi mùi thơm và màu sắc; bánh cuốn Thanh Trì, nổi tiếng, được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy; chả cá Lã Vọng – món ăn mà danh tiếng của nó làm thay đổi cả tên con phố (phố Hàng Sơn, nay là phố Chả Cá).

Ở Hà Nội, có nhiều món ăn đặc trưng khác như bún thang, bún chả, bún nem, bún bung, bún mọc, đậu phụ Mơ, bánh tôm Hồ Tây, tào phớ An Phú, nem chua làng Vẽ…

Nói đến nét đẹp của người Hà Nội, đặc biệt là phụ nữ, đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xõa ngang vai, bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè.

Cách ăn của phụ nữ Hà Nội, dễ nhận ra: Ý tứ, ngồi một góc, khép chân, không gác chân co lên ghế, không gục mặt xuống mà ăn, vẫn thẳng thắn đàng hoàng, không liếc ngang liếc dọc. Họ không nhồm nhoàm, không xì xụp, không tóp tép, không ừng ực, không nói cười hô hố trong khi ăn.

Phụ nữ Hà Nội biết cách trang điểm hơn ai hết. Chỉ phớt qua một chút phấn, phủ một lớp son mờ, kín đáo một giọt nước hoa nơi bàn tay, trong khăn mùi xoa hoặc dưới mang tai…

Văn hóa là thước đo nền văn minh nhân loại, là nền tảng của sức cạnh tranh trên thương trường. Một doanh nghiệp, muốn thịnh vượng phải xây dựng được một bản sắc văn hóa lành mạnh và tiến bộ. Muốn vậy, phải bắt đầu từ mỗi người đến từng công việc nhỏ nhất, cũng phải thực sự có văn hóa.

Văn hóa Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên có lối sống lành mạnh.

 “Phụ từ tử hiếu” – “Tổ công tôn đức”!

Ngành văn hóa Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung, kỷ cương để xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tiến bộ, góp phần xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình không những là một đơn vị kinh tế, mà còn là một đơn vị văn hóa – có chức năng cơ bản giáo dục con người ngay từ thuở còn thơ và suốt cả cuộc đời.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền, các sản phẩm văn hóa độc hại bên ngoài tràn vào, cùng với các tệ nạn xã hội – đang tiến công mạnh mẽ vào các gia đình.

Từ đó, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng. Nhiều giá trị đạo đức gia đình đang xuống cấp. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha và đại dịch HIV/AIDS đang len lỏi, thâm nhập vào các gia đình. Ðặc biệt, bạo lực gia đình đang là một vấn đề nổi cộm…

Bởi lẽ đó, việc xây dựng gia đình văn hóa đang đứng trước những thách thức lớn, đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động với phương châm “Xây đi đôi với chống” và lấy xây làm chính.

Gia đình giữ vai trò cơ bản quyết định trong việc xây dựng nhân cách con người. Xây dựng và phát huy truyền thống gia đình – là một việc vô cùng hệ trọng để thực hiện chức năng cơ bản đó. Vai trò giáo dục trong gia đình là hết sức quan trọng, bởi vì tất cả các thành viên trong xã hội đều nằm trong gia đình. Nếu mọi gia đình có nền nếp, có văn hóa, thì sẽ có xã hội văn hóa.

Tổ tiên ta có câu: “Phụ từ tử hiếu”, “Tổ công tôn đức” – chính là nói về sự giữ gìn gia phong các bậc ông bà, cha mẹ đến con cháu trong nhà.

Ngày nay, việc xây dựng gia đình văn hóa không nằm ngoài mục đích đó. Có gia đình văn hóa, tức là mọi người trong nhà đều có phẩm chất đạo đức tốt, thì mới có quan hệ làng xóm, khu phố tốt và mới có xã hội văn minh. Khu tập thể nào mà có một vài gia đình, thậm chí một gia đình thiếu văn hóa, có những đứa con hư, thì xóm ấy, khu tập thể ấy thường xảy ra những chuyện không hay, có khi gây xích mích, mâu thuẫn nhau, làm mất đi tình thân ái, xóm giềng; còn đâu nói đến chuyện “bán anh em xa, mua láng giềng gần” như người xưa thường nói?

Một gia đình được xem “có văn hóa”. Đó là gia đình có truyền thống cách mạng với những danh hiệu cao quý do Nhà nước phong tặng như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ, chiến sỹ Anh hùng, chiến sỹ quyết thắng, chiến sỹ thi đua; gia đình Tổ quốc ghi công; gia đình vẻ vang; huân huy chương, bằng khen, giấy khen, có truyền thống ngành nghề gia truyền, nghệ nhân nổi tiếng;

Đó là những gia đình có nếp sinh hoạt trong nhà đầy tình nghĩa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu đầm ấm và quan hệ xã hội lành mạnh, đoàn kết, tương thân, tương ái…

Tất cả những truyền thống đó đều phải được xây dựng, giữ gìn, nâng niu trân trọng, không ngừng bồi dưỡng để nó trở thành “của báu” trong nhà, được thể hiện trong đương đại và ngày càng hiện đại.

Nếu không làm như vậy, truyền thống có thể bị mai một, các danh hiệu cao quý có thể bị hoen ố, mặc dù trong nhà treo đầy huân huy chương, mà không có gia đình êm ấm và không được tín nhiệm xã hội.

Đương nhiên, trong gia đình, người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dạy con cháu giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ con cháu về nhân cách, phẩm chất.

Vì vậy, phát huy truyền thống gia đình, xây dựng gia đình văn hóa – chính là gắn với việc xây dựng hạt nhân đầu tiên: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”!

Đức Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved