Thời gian qua, ngành công nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng cao, tuy nhiên, giá trị tạo ra vẫn thấp.
Theo đó, việc phát triển và hỗ trợ cho công nghiệp, đặc biệt là việc xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp đang là mục tiêu lớn mà Bộ Công Thương cũng như nhiều địa phương, doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng.
Nội lực ngành công nghiệp còn hạn chế
Thời gian qua, công nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp phụ thuộc vào khu vực FDI, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ nguồn; khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng tạo ra còn thấp, linh kiện phụ tùng phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP thay đổi chậm (khoảng 18%) vẫn ở mức thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa và so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nội lực và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn yếu, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp công nghiệp rất ít (cả nước chỉ có gần 80.000 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo), khả năng tài chính và công nghệ hạn chế.
Đơn cử như ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi. Sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng chính của Việt Nam, trong đó, nhiều nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản – luyện kim, công nghiệp hỗ trợ… đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi đối mặt với vấn đề tranh chấp thương mại và gian lận xuất xứ. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có chuyển biến lớn về tăng trưởng, nhưng cơ cấu giá trị xuất khẩu chủ yếu vẫn đến từ doanh nghiệp FDI.
Cục Công nghiệp nhìn nhận, tình trạng nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác kéo dài nhiều năm, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị – kinh tế – xã hội trong và ngoài nước. Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt từ Trung Quốc và Hàn Quốc; trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.
Đến nay, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt hơn 50% và 37%. “Ngược lại, một số nước ASEAN, giá trị gia tăng trong thương mại đang thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong dài hạn, nền kinh tế vốn có độ mở lớn, dễ chịu tổn thương và nhạy cảm với những biến động từ bên ngoài” – ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay.
Phát triển trung tâm hỗ công nghiệp- hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển.
Theo đó, Bộ Công Thương đang tập trung vào một số giải pháp lớn nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh để đưa nền công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, cơ hội phát triển như công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được nhà nước hỗ trợ đến khi có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và trở thành đối tác sản xuất đáng tin cậy đối với chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong đó, đặc biệt hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hệ thống quản trị sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, công nghệ mới và nguồn nhân lực chất lượng cao” – ông Trương Thanh Hoài nêu vấn đề.
Cục công nghiệp thông tin, hiện Bộ Công Thương đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng 02 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Nam.
Bộ Công Thương đã phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án đầu tư và hiện đang triển khai công tác thiết kế bãn vẽ thi công cũng như các thủ tục tiếp theo của dự án. Hiện nay, các Trung tâm tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Hiện nay 02 Trung tâm này đang kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, CE/UL. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.
Bên cạnh đó, các Trung tâm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.
“Việc triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp cấp vùng tạo các vùng kinh tế trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải thiện kỹ thuật sản xuất và kết nối giao thương. Quan trọng hơn là hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp”- lãnh đạo Cục Công nghiệp bày tỏ.
Cùng với đó, triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp về kỹ thuật, nhân lực, quản trị kinh doanh, làm chủ và đổi mới máy móc, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp.
Các dịch vụ hỗ trợ này, song song với công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp xuyên suốt toàn quy trình hoạt động, từ khi khởi nghiệp kinh doanh tới khi đi vào thực tiễn sản xuất, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải.
Bên cạnh việc hỗ trợ, Cục Công nghiệp đang tập trung hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghiệp cũng như phối hợp với các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và xúc tiến kết nối phát triển công nghiệp, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng, công bố, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.
Thêm một khía cạnh phải quan tâm nữa để củng cố nội lực cho ngành công nghiệp này là phải có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực căn cơ, bài bản để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành trong cả hiện tại lẫn tương lai. Chỉ khi có những giải pháp đồng bộ thì ngành công nghiệp mới có được sự tự tin để phát triển cao hơn, bền vững hơn về lâu dài trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
Phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cũng cần bám sát các định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung trọng tâm, cụ thể là kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. |