Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản là vấn đề cấp thiết và cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) là một trong những điển hình thành công của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu. Vụ thu hoạch năm nay, trên 160.000 tấn vải thiều đã được xuất bán sang các nước phát triển. Thị trường xuất khẩu vải thiều không ngừng được mở rộng, từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Cùng với vải thiều Bắc Giang, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hoà Lộc… – những nông sản đặc sản của Việt Nam gắn liền với địa danh thể hiện nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng đã và đang mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường lớn nhờ việc sớm đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.
Theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội rất lớn để xuất khẩu hàng hoá Việt Nam, nhất là các loại nông sản chủ lực vào thị trường lớn trên thế giới. Trong đó, các sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý có nhiều lợi thế hơn do Việt Nam được phía châu Âu bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý và con số này sẽ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo số liệu của Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ), đến tháng 8 năm 2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó, có 116 sản phẩm đã cấp chứng nhận. Ngoài ra, có 1.682 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới là nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn…
Việc sản phẩm nông sản chủ lực của vùng miền đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín và sự an tâm với người tiêu dùng, góp phần hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng.
Tuy nhiên cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những hạn chế là một số địa phương chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Một số doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại, chưa quan tâm đến việc cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm do thủ tục rườm rà, chồng chéo khiến cho nguy cơ sản phẩm bị đánh cắp mẫu mã làm hàng giả, hàng nhái…
Ngược lại, cũng có những sản phẩm đặc sản được đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể nhưng chưa phát huy hiệu quả trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước do còn thiếu nguồn lực thực hiện việc quản lý và thiếu kỹ năng về xúc tiến thương mại.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Lê Hồng cho biết, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương… để cải thiện công tác xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, như: Cà phê, gạo, vải thiều, thanh long… Vấn đề lúc này là các địa phương cần xác định lộ trình cũng như các giải pháp ưu tiên như xây dựng quy chế quản lý, khai thác tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài trọng điểm; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thanh Mai