Tại phiên họp toàn thể lần thứ 28 ngày 13/5 vừa qua của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ đề xuất cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp chính quyền (cấp quận, phường).

Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng sẽ mang lại nhiều hiệu quả nhất định trong công tác quản lý nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu của nhân dân

Lợi ích của mô hình mới

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc phân định quyền hạn, nhiệm vụ, phương thức quản lý bộ máy. Phân cấp trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc thù về quản lý đô thị. Do đó, việc thí điểm một mô hình chính quyền được kỳ vọng có thể giải quyết được những khó khăn hiện tại.

Theo mô hình này, thành phố Đà Nẵng sẽ thí điểm không tổ chức HĐND quận, HĐND phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND quận chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc, chỉ giữ lại huyện Hòa Vang. UBND quận nhiệm kỳ 2016 – 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thành lập.

Theo đó, mô hình chính quyền đô thị sẽ có những phân cấp, ủy quyền mới nhằm tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy. Bên cạnh đó, mô hình này cũng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị cũng như tinh giảm cán bộ, và hiệu quả hơn trong công tác tiếp dân.

Đặc biệt, khi công tác ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố tốt, chính quyền đô thị phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn thì các thủ tục hành chính của nhà nước sẽ tốt hơn. Như vậy, các chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục của người dân, doanh nghiệp sẽ được rút ngắn một cách tối đa, hiệu quả.

Ngoài ra, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển và hội nhập.

Cần cơ chế giám sát đặc biệt

Khi thí điểm chính quyền đô thị thì tính chịu trách nhiệm và quyền hạn của từng cơ quan, từng cấp, từng vị trí quản lý, lãnh đạo phải có các chế tài cụ thể. Khi không còn theo mô hình tập thể, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu được đẩy lên cao thì cũng là lúc cần một cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, việc giám sát thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ phải có phương thức mới, thông qua phương tiện, hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố thông minh. Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát phù hợp và thật sự hiệu quả để trả lời cho được câu hỏi không có HĐND quận, phường thì ai trực tiếp giám sát hoạt động của UBND?

Luật sư Đỗ Pháp – Đoàn Luật sư Đà Nẵng cho rằng, mục tiêu của chính quyền đô thị là phục vụ nhân dân nên các cấp chính quyền cần đưa trách nhiệm của mình hướng đến phục vụ nhân dân lên hàng đầu. Nếu như chúng ta thực hiện tốt mục tiêu này thì mô hình chính quyền nào cũng đều thực hiện và phát triển tốt cả. Trong thời đại tiến bộ, hội nhập, mọi mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền phải đi vào thực chất, không nên hứa hẹn hay đổ lỗi nữa.

“Mọi vấn đề của nhân dân cần phải được giải quyết kịp thời, nhanh và chính xác. Các chủ trương, chính sách mới cần được công khai rõ ràng, minh bạch, nên bỏ bớt các khâu trung gian không cần thiết vì lâu nay đã có quá nhiều sự vòng vo khiến cho người dân không còn thiết tha, mất niềm tin vào bộ máy chính quyền” – Luật sư nhấn mạnh và khuyến nghị, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị phải lấy dân làm gốc, như vậy mới có thể đúng hướng.