Việc phát triển hệ thống logistics nông thôn có thể tạo ra các kênh phân phối hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Tổng công ty CP Bưu chính Viettel Post:
Đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cũng như cung cấp hàng tiêu dùng giá rẻ, chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Nhằm phát triển lĩnh vực logistics nông thôn trong thời gian tới, theo tôi cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ logistics nói chung và logistics nông thôn nói riêng phát triển nhằm tận dụng được lợi thế của Việt Nam. Cùng với đó, cải thiện các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật liên quan đến hoạt động lưu thông hàng hóa gắn với nền tảng thông tin, thiết bị và công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho các hoạt động logistics nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, mở rộng kênh cung cấp tài chính và các kênh đầu tư, hợp lý hóa các thủ tục hồ sơ vay vốn và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp logistics nông thôn phát triển. Đồng thời, xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng và thương mại, trong đó cần xếp hạng tín nhiệm cho các nhà điều hành kinh doanh có liên quan kể cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nông thôn…
Thứ ba, thúc đẩy tính liên kết giữa các nền tảng thông tin logistics của các doanh nghiệp logistics và hệ thống thông tin doanh nghiệp để liên kết hiệu quả các bên tham gia khác nhau trong chuỗi cung ứng. Chính phủ đóng vai trò điều phối trong nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp chuyển phát, doanh nghiệp vận tải nông thôn và các doanh nghiệp logistics sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 để kết nối với nhau và chia sẻ nguồn lực nhằm từng bước giảm chi phí logistics nông thôn.
Thứ tư, xây dựng hạ tầng logistics dùng chung phục vụ cho logistics hai chiều từ nông thôn về thành thị và ngược lại. Tăng cường phối hợp lập kế hoạch nhằm đạt được sự kết nối hiệu quả giữa cơ sở hạ tầng logistics nông thôn, nền tảng công nghệ thông tin và mạng lưới phân phối. Thành lập các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp, khuyến khích họ đưa ra các kế hoạch liên quan đến phát triển và cải thiện logistics nông thôn.
Thứ năm, xây dựng các trung tâm logistics nông thôn toàn diện, đa chức năng. Đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển các trung tâm logistics với các chức năng toàn diện liên quan đến lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối nông sản. Tăng cường sự liên kết giữa các trung tâm logistics hiện có và các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các chợ đầu mối nông sản và các điểm phân phối, các trung tâm phân phối đầu vào nông nghiệp, cũng như các trung tâm phân phối bưu điện, nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ logistics nông thôn.
Thứ sáu, đẩy nhanh việc xây dựng các điểm phục vụ logistics nông thôn cấp quận/huyện. Theo đó, Chính phủ và chính quyền địa phương cần tăng cường tích hợp các nguồn lực logistics nông thôn liên quan đến vận tải, thương mại, cung ứng và tiếp thị nông trại, và các dịch vụ chuyển phát; phát triển mạng lưới logistics nông thôn dựa trên ba cấp (quận hoặc huyện, thị xã và làng hành chính).
Thứ bảy, cải thiện việc bố trí các điểm trung chuyển logistics cấp thị trấn.
Thứ tám, chính quyền quận và thị xã nên thúc đẩy việc sử dụng các siêu thị nông thôn, cửa hàng làng, điểm dịch vụ bưu điện, hợp tác xã trang trại; Chú trọng phát triển các trung tâm logistics nông thôn nhỏ gọn như các điểm đầu – cuối, tận dụng lợi thế cả về phân phối và thu gom hàng hóa.
Minh Ngọc