Sau COP28, thị trường carbon được công nhận có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi trên toàn thế giới sang mức phát thải ròng bằng 0.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường mới này cũng như việc tạo tín chỉ carbon để trung hoà phát thải – yêu cầu tất yếu để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại sao doanh nghiệp cần đầu tư dự án tín chỉ carbon? Loại hàng hoá đặc biệt này vì sao được doanh nghiệp quan tâm ngay cả khi sàn giao dịch tín chỉ carbon sang năm 2025 mới được vận hành thí điểm?
Ông Lê Quang Linh – công ty TNHH dịch vụ năng lượng EKI phân tích nội dung trên từ 2 góc độ. Thứ nhất, theo quy định của pháp luật khi Chính phủ ban hành hạn ngạch, doanh nghiệp có phát thải lớn hơn phải tìm cách mua hoặc đầu tư tín chỉ carbon; doanh nghiệp phát thải ít hơn có thể sử dụng hạn ngạch đó để giao dịch.
Thứ hai, các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải. Có nhiều phương án dành cho doanh nghiệp muốn phát thải như đầu tư công nghệ tối ưu hoá quá trình sản xuất; sử dụng nguồn lực tài chính, tìm kiếm dự án có thể giảm tín chỉ carbon để đầu tư và được quyền sở hữu tín chỉ carbon đó bù đắp vào phát thải để đảm bảo yêu cầu phát thải. Cách nhanh nhất và tốn ít thời gian nhất là mua tín chỉ trên thị trường carbon.
Trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, trong năm 2022 đã có 278 triệu tín chỉ carbon được phát hành. Các ngành nghề, hoạt động phổ biến tạo tín chỉ carbon là năng lượng tái tạo, loại bỏ chất thải, trồng rừng và sử dụng đất, dự án dựa vào cộng đồng, nông nghiệp… Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo tạo ra nhiều tín chỉ carbon nhất (chiếm 34%), các dự án dựa vào tự nhiên (33%).
Về nguồn lực đầu tư, 18 tỷ USD vốn đã được huy động hoặc cam kết đầu tư vào các quỹ tín chỉ carbon từ năm 2021 đến tháng 6/2023. Trong năm 2024 và 2025 có thêm 3 tỷ USD nữa được cam kết đầu tư. Có đến hơn 30% nguồn lực trên đã được các doanh nghiệp thực hiện, đầu tư để đảm bảo khả năng tiếp cận lâu dài với tín chỉ carbon.
Tại Việt Nam, đến nay các trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức tự nguyện khi triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM). Cụ thể, Việt Nam có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.. Trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.
Việt Nam cũng là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.
Với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Đồng thời, đây là cơ hội nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, phù hợp với xu thế phát triển chung và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Quang Linh, đến nay thị trường năng lượng tái tạo vẫn là nguồn cung cấp tín chỉ carbon lớn nhất. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, ơ chế tự nguyện hiện đang hạn chế dần việc đăng ký các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhất là các lĩnh vực như thuỷ điện lớn, năng lượng mặt trời, điện gió. Sau hơn 20 năm phát triển các lĩnh vực này, công nghệ đã thay đổi, khả năng sản xuất điện gió, điện mặt trời phát triển hơn, chi phí đầu tư giảm xuống, đồng nghĩa với tính phổ biến của công nghệ tăng thêm nhiều hơn, dễ tiếp cận hơn.
Đó là lý do vì sao hiện nay các dự án năng lượng tái tạo khó khăn hơn trong việc đăng ký tín chỉ carbon. Thay vào đó, các khoản khuyến khích của tín chỉ carbon tập trung cho các lĩnh vực khác cần phát triển. Ông Lê Văn Linh cho rằng, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các dự án khác như điện rác, điện gió ngoài khơi, điện nhiệt, sóng biển vẫn đang được ưu tiên phát triển và tạo doanh thu cho doanh nghiệp từ các dự án tín chỉ carbon.
Hạnh Lê