WHO đang xem xét các biện pháp phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trong không khí

Các chuyên gia của WHO cho biết, virus SARS-CoV-2 hiện lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp. Và khi thực hiện liệu pháp khí dung (biện pháp giúp điều trị tại chỗ các bệnh lý đường hô hấp), virus có thể tồn tại trong không khí lâu hơn.

Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 có thể lơ lửng trong không khí tùy thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ và độ ẩm. Theo bà Maria Van Kerkhove – Nhà dịch tễ học của WHO, các quan chức y tế biết được một số nước đang nghiên cứu các điều kiện môi trường khác nhau mà SARS-CoV-2 có thể tồn tại.

Các nhà khoa học đặc biệt xem xét độ ẩm, nhiệt độ và tia cực tím tác động ra sao đến COVID-19, cũng như thời gian virus SARS-CoV-2 tồn tại trên các bề mặt khác nhau, trong đó có thép.

Trước đó, kết quả cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học thuộc chính phủ Mỹ cho thấy virus Corona chủng mới có thể tồn tại trong không khí tối đa 3 giờ và tối đa 3 ngày trên một số bề mặt sau khi các nhà khoa học dùng thiết bị phun sương để phun các mẫu SARS-CoV-2 vào không khí để giả lập tình huống bệnh nhân COVID-19 ho hoặc hắt hơi. Kết quả thử nghiệm đối với những mẫu virus SARS-CoV gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng đưa ra kết quả tương tự.

Như Julie Fischer – Giáo sư chuyên ngành vi sinh học tại Đại học Georgetown phân tích, mặc dù cần thêm thời gian để chứng minh chủng virus mới này thực sự tồn tại trong không khí. Tuy nhiên, đây là hồi chuông cảnh báo mọi người dân, đặc biệt là những chuyên viên y tế đang tiến hành điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoặc phục vụ trong các khu cách ly tại những nước có dịch cần cẩn trọng hơn khi bầu không khí xung quanh họ là môi trường dễ nhiễm bệnh.

Trên thực tế, môi trường xung quanh bệnh nhân mắc COVID-19 dễ bị ô nhiễm vì các tia nước bọt hoặc phân tử chất thải cho thấy môi trường là yếu tố trung gian truyền nhiễm. Vì vậy, các nhân viên y tế càng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định vệ sinh môi trường sống và rửa tay, cũng như đeo khẩu trang phòng độc chuyên dụng N95 phải có biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc bệnh nhân cũng như khi thực hiện liệu pháp khí dung.

Đồng thời đẩy mạnh việc vệ sinh định kỳ những bề mặt mà bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc, bồn rửa và bồn cầu, để giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc thực hiện các thao tác vệ sinh 2 lần/ngày với những bề mặt tiếp xúc và lau nền nhà mỗi ngày bằng các chất khử trùng thông dụng sẽ giúp loại bỏ các virus và những biện pháp khử trùng hiện hành hoàn toàn có thể giúp tiêu diệt virus nếu người dân tuân thủ đúng quy trình.

Mặt khác, WHO cũng nhấn mạnh, dù virus SARS-CoV-2 rất “nhạy cảm” với nhiệt độ cao, nhưng chưa có khả năng dịch COVID-19 sẽ tự động suy giảm vào mùa hè. Các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ lý tưởng để SARS-CoV-2 sinh sản và lây lan là 8,72 độ C. Do vậy, dịch COVID-19 vẫn có thể phát tác vào mùa hè dù không bùng phát nghiêm trọng như trong mùa đông, song nếu không có vắc xin thì bệnh dịch khó có thể biến mất.

Chính vì vậy, mọi quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường xét nghiệm và cách ly bởi đó là biện pháp tốt nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, cần xét nghiệm tất cả người bị nghi nhiễm. Nếu kết quả dương tính, hãy đưa họ đi cách ly, tìm ra những người họ từng tiếp xúc trong vòng hai ngày trước khi có triệu chứng. Bên cạnh đó, tiến hành rửa tay thường xuyên và tránh chạm tay vào mặt.