TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các chi tiết phân tích về tử vong của bệnh nhân hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, vừa chủ trì cuộc họp về tình hình phòng chống dịch COVID-19 với sự tham dự của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Chi tiết và kết luận tử vong do xơ gan là hoàn toàn logic
Tại cuộc họp, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã đưa ra nhận định liên quan đến ca bệnh số 251 đã điều trị khỏi COVID-19 tử vong sau đó do bệnh xơ gan giai đoạn cuối.
Ông Kidong Park cho biết, cách đây vài ngày WHO cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng các chuyên gia đã tham gia cuộc họp kỹ thuật tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhằm thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý COVID-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251.
“Tại cuộc họp, chúng tôi đã cùng tiến hành rà soát toàn bộ quá trình nhập viện, điều trị của bệnh nhân 251. Xem xét rất kỹ trình tự thời gian, các xét nghiệm được thực hiện của bệnh nhân này, sau những lần liên tiếp âm tính, ra viện, rồi biểu hiện lâm sàng… Các chi tiết đưa ra hoàn toàn logic, không có lý do nào để cho rằng không chính xác”, TS Kidong Park nói.
Trước đó, tối ngày 4/5, Bộ Y tế công bố ca tử vong do xơ gan giai đoạn cuối ở Hà Nam không phải do COVID-19. Theo đó, bệnh nhân đã được điều trị tại khoa Tiêu hóa, BVĐK tỉnh Hà Nam từ ngày 20/3 với các bệnh xơ gan giai đoạn cuối, suy kiệt, bệnh gút nặng, cứng khớp, teo cơ. Ngày 7/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị COVID-19.
Sau thời gian điều trị đã 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 10, 12, 15 và 17/4, bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định khỏi bệnh, không còn bị mắc COVID-19, tình trạng các bệnh lý khác ổn định, chuyển tuyến dưới để điều trị bệnh xơ gan từ ngày 17/4.
Do tình trạng xơ gan giai đoạn cuối rất nặng, trước khi tử vong, bệnh nhân có biểu hiện hôn mê do suy giảm chức năng gan trầm trọng và rối loạn điện giải. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán do xơ gan giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân tử vong, BVĐK tỉnh Hà Nam đã tiến hành làm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng nào của tổn thương phổi do COVID-19 gây ra.
Ngày 4/5, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia đầu ngành và xác định trường hợp tử vong này không phải do COVID-19. Cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID-19.
Ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm từ bên ngoài
Tuy nhiên, Đại diện WHO cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 chưa qua do chưa có thuốc điều trị hoặc vắcxin phòng bệnh. Dự báo dịch tiếp tục kéo dài, ông Kidong Park và các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh Việt Nam cần sẵn sàng trong tâm thế cảnh giác, theo dõi chặt chẽ dịch bệnh.
Việt Nam hiện không có các ca bệnh trong cộng đồng, nhưng nằm giữa tâm dịch bởi các quốc gia trong khu vực và toàn cầu vẫn đang vất vả ứng phó với dịch bệnh.
“Nguy cơ có các ca bệnh trong cộng đồng vẫn hiện hữu,” ông Kidong Park khuyến nghị, Việt Nam nên theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch COVID-19; tiếp tục đầu tư cho ngành y tế; chuẩn bị các điều kiện khi có ca bệnh mới, thậm chí nguy cơ về “làn sóng mới;” từ đó chủ động kiểm soát dịch bệnh như “làn sóng đầu tiên” của dịch COVID-19.
Thực tế, Việt Nam đã ghi nhận 27 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục “bao đê cho chặt,” thực hiện quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, bảo đảm an toàn từ đó nới lỏng ở bên trong, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.”
Theo đó, Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát với các nhóm đánh giá có yếu tố dịch tễ học, có nguy cơ.
Duy trì giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm từ bên ngoài với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện nghiêm cách ly 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần; qua đó bảo vệ thành quả, chống dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì hệ thống giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng; triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường năng lực ứng phó với dịch bệnh của đội ngũ cán bộ y tế trong vấn đề chăm sóc, điều trị tại tất cả các tuyến. Đồng thời, Ban Chỉ đạo duy trì hoạt động nhằm tăng cường điều phối các bộ, ngành, tổ chức; huy động các lực lượng chính trị tham gia chống dịch.
Việt Nam cũng tăng cường năng lực sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, máy thở, kít chẩn đoán…