Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ, khi tham gia việc đồng áng cùng cha mẹ, Lê Thị Vân (Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khu phố 1, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) luôn băn khoăn tự hỏi: “Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng vì sao người dân làm quanh năm vẫn không đủ ăn?”.

Càng lớn, câu hỏi đó càng thôi thúc Lê Thị Vân quyết tâm theo học ngành kỹ sư nông nghiệp để đi tìm lời giải cho mình. Đó cũng là động lực để chị mở công ty, khởi nghiệp với khát khao làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Thủ lĩnh Đoàn dám nghĩ, dám làm

Khi được hỏi về những khó khăn của người “đứng mũi chịu sào” quản lý doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp với hơn 100 lao động đủ mọi lứa tuổi, trình độ khác nhau, Lê Thị Vân cười, nói: “Em làm công tác đoàn hơn 10 năm nay, từ lúc còn là sinh viên cho đến khi ra trường, về tổ dân phố em vẫn được các bạn trẻ tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn. Được rèn luyện trong môi trường hoạt động công tác đoàn nên em có sự tự tin. Từ đó, em cũng thấy mình phải có trách nhiệm, phấn đấu không ngừng để làm được điều tốt đẹp hơn”.

lamgiau

Lê Thị Vân (bên phải) hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ngừng tay ươm những hạt giống dưa vào bầu đất, Lê Bá Sơn, một thanh niên trẻ đang quản lý khu vườn ươm trong nhà màng, cho biết, bản thân anh luôn khát khao làm giàu từ đất đai sẵn có của gia đình, nhưng loay hoay chưa biết phải bắt đầu từ đâu. “Chị Vân đã thôi thúc những thanh niên nông thôn chúng em đổi mới, từ cách nghĩ về nông nghiệp, cách làm khác ở nông thôn. Mỗi buổi sinh hoạt Đoàn, chúng em cùng chị Vân thảo luận để cụ thể hóa ý tưởng, rồi cùng nhau lập ra kế hoạch, thi đua học hỏi, vươn lên. Giờ thì em đã tự tin làm chủ kỹ thuật nhà màng”, Lê Bá Sơn bày tỏ.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, đông anh chị em, 4 năm học đại học là khoảng thời gian Vân vừa học, vừa làm để theo đuổi ước mơ. Năm 2009, cầm tấm bằng kỹ sư nông nghiệp trở về quê hương, không có vốn, cũng chẳng có tài sản giá trị, nên sau những thất bại ban đầu, Vân quyết tâm đi đường vòng và cô trúng tuyển vào làm chuyên viên kỹ thuật cho một tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu của Israel. Trong gần 10 năm gắn bó với tập đoàn này, Vân trực tiếp làm việc với các chuyên gia nước ngoài, có những lúc phải kiểm định từng mẫu vật liệu nhỏ. Vân nhận thấy Israel đã có công nghệ xuất khẩu ra khắp thế giới, trong khi Việt Nam có sẵn vật liệu mà vẫn phải đi nhập khẩu với giá đắt. Vân tự hỏi sao mình không nghiên cứu thay thế vật liệu nhập khẩu bằng các nguồn trong nước, hạ giá thành, nông dân, doanh nghiệp nhỏ đều có thể tiếp cận được. Và Vân đã tự tạo ra phiên bản của riêng mình.

Anh Phạm Văn Thiệu, chồng chị Lê Thị Vân, nhớ lại: “Đang làm cho tập đoàn xuất khẩu công nghệ toàn cầu, mức lương ổn định, vị trí tốt, cuộc sống gia đình rất bảo đảm, đột nhiên Vân nói nghỉ việc, trở về quê thành lập công ty để đi thi công nhà kính, nhà lưới và hỗ trợ nông học, cùng nông dân phát triển sản xuất. Tôi giật mình, nghĩ đến cảnh con còn nhỏ, cuộc sống gia đình đang ổn định bỗng nhiên đảo lộn. Tôi can ngăn, phân tích, thậm chí là đưa ra “kế hoãn binh”, muốn vợ tích lũy thêm kinh nghiệm, thêm vốn, rồi con lớn hơn chút nữa sẽ phát triển sự nghiệp, nhưng Vân vẫn kiên định đứng ra làm một mình”. Chứng kiến những vất vả của vợ, anh Thiệu dần dà “lung lay”, rồi quyết định từ bỏ công việc đang làm để về quê hỗ trợ vợ.

Từ việc làm thay đổi suy nghĩ của người thân trong gia đình, Lê Thị Vân tiến dần đến thay đổi nhận thức cho cộng đồng. Sau khi nghiên cứu, thiết kế ý tưởng trên giấy, giả lập mô hình trên máy tính, Vân mạnh dạn cầm cố sổ đỏ của gia đình đi vay vốn, thuyết phục bố mẹ cho mượn đất ruộng cằn để biến những thiết kế đó thành sản phẩm thực tế. Tiếp theo, chị tự mày mò xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện mô hình. Thành công từ niên vụ đầu, Vân mời thanh niên trong vùng đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Để khuyến khích mọi người tham gia, chị từng bước hoàn thiện mô hình sản xuất khép kín: Từ nâng cao thiết kế, lắp đặt hệ thống nhà kính, nhà màng, nhà lưới phù hợp với từng vùng tiểu khí hậu, có giá thành rẻ đến hỗ trợ kỹ thuật nông học như làm đất, chọn giống, xây dựng quy trình chăm sóc từng loại cây và tiêu thụ sản phẩm. Thành công từ những vụ mùa bội thu, Vân tiến đến mở rộng thị trường. Cuối năm 2019, chị đứng ra thành lập Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm.

Chỉ thời gian ngắn, mô hình sản xuất của Lê Thị Vân thu hút được nhiều thanh niên trong huyện, tỉnh đến học hỏi, khởi nghiệp. Anh Phạm Văn Kiên, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) kể: “Trước đây, quê tôi đa phần thâm canh cây sắn, cây mía nhưng không mang lại hiệu quả cao. Lúc đầu thăm mô hình của Vân, tôi rất bỡ ngỡ. Nhưng được Vân hướng dẫn, khích lệ, tôi cũng mạnh dạn làm theo. Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã liên kết, hợp tác với nhau. Tôi đã thành lập HTX để tổ chức sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho các xã viên”. Hiện HTX nông nghiệp Kiên Thọ đã gửi các sản phẩm giới thiệu đến một số nước và được phía bạn chấp nhận. Đồng thời, đang xây dựng chuỗi để xuất khẩu ổn định, tăng thu nhập và tạo việc làm cho nông dân trong vùng, từ đó thanh niên có thêm cơ hội lập thân, lập nghiệp, không phải rời quê đi làm ăn xa.

Tiếng lành đồn xa

Bà Vũ Thị Tĩnh, một trong những người thuộc nhóm lao động cao tuổi được Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm tuyển dụng để chăm sóc cây trong nhà lưới, cảm nhận rõ nhất bước tiến mới về sản xuất nông nghiệp của Lê Thị Vân. Nhà có hơn chục sào ruộng, mấy năm nay làm ăn không hiệu quả nên bà Tĩnh cho thuê lại đất rồi vào làm công nhân cho công ty. Nói là làm nông nghiệp nhưng cũng chẳng còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Việc vất vả như cày đất, tưới nước đã có máy móc làm hết, công việc của người nông dân là đầu vụ trồng cây, hằng ngày thăm vườn, uốn cành, theo dõi cây sinh trưởng, đến vụ thì hái quả, đóng gói. Họ không phải đội nắng, dầm mưa, không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu nên sức khỏe tốt hơn, lại có mức lương ổn định 5 triệu đồng/tháng, điều mà trước đây nhiều người chưa dám nghĩ đến.

Bà Nguyễn Thị Mơi, ở xã Bắc Lương (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thì lại có cách nghĩ khác. Gia đình bà góp đất và trực tiếp tham gia làm công nhân cho công ty. Hơn 5.000m2 ruộng đất của gia đình bà cấy hai vụ lúa, năm được mùa trừ giống, thuốc, phân bón đi cũng chỉ đủ ăn, nhưng bây giờ riêng tiền góp đất cũng gấp hàng chục lần cấy lúa trước đây. Tiền công một năm được 60 triệu đồng, giúp đời sống gia đình bà khấm khá hơn.

Mất nhiều năm nghiên cứu, thiết kế mô hình nhưng không giữ để làm bí quyết riêng cho bản thân, Lê Thị Vân nhanh chóng nhân rộng, lan tỏa đến nhiều người. Với những doanh nghiệp, HTX, người nông dân có đất, Vân là đối tác chủ động, tận tâm tổ chức, xây dựng chuỗi liên kết, tư vấn các hình thức đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tạo uy tín đối với khách hàng bằng những sản phẩm có chất lượng và giá cạnh tranh. Với những người nông dân nghèo thiếu đất, thiếu vốn, không đủ sức khỏe tham gia sản xuất lớn thì Vân hướng dẫn họ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào những khoảnh vườn quanh nhà để nâng cao năng suất cây trồng, từ đó thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Tiếng lành đồn xa, tuy mới chỉ thành lập công ty được 3 năm, nhưng giờ đây Vân đã có khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh trung du, miền núi, nơi địa hình khó khăn. Công ty do Lê Thị Vân làm chủ được quản lý theo mô hình quốc tế, là địa chỉ thu hút nhiều thanh niên đến học tập, khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng.

Chuyển đổi tư duy – mở hướng làm giàu

Ông Lê Văn Long, xã Minh Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa) sau hàng chục năm làm ăn xa nhà, tích lũy được số vốn kha khá, quyết tâm về quê lập nghiệp. Là người có nhiều kinh nghiệm và thận trọng trong đầu tư, ông nhận thấy trên thị trường hiện nay tồn tại rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như của Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Qua tìm hiểu, cuối cùng ông Long lựa chọn công nghệ trong nước do Lê Thị Vân chuyển giao, bởi công nghệ này có nhiều cải tiến, khắc phục được những nhược điểm so với sản phẩm nước ngoài để phù hợp với điều kiện nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, giá thành giảm từ 8 đến 12 lần, phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số nông dân Việt Nam. Chỉ tay lên hệ thống mái vòm, khung cứng và hệ thống tưới nước tự động, ông Long cho biết thêm: “Những thiết bị này đã sử dụng được gần 5 năm, từ khi Lê Thị Vân mới bắt đầu khởi nghiệp, chưa thành lập công ty. Trải qua những đợt mưa bão lớn cũng không bị xô lệch, hỏng hóc gì”. Vì lý do đó, ông Long tiếp tục lựa chọn công nghệ và đơn vị của Vân để mở rộng sản xuất thêm 3.000m2 nữa.

Những hạt mầm gieo vào đất, cộng thêm sự tận tụy và áp dụng đúng công nghệ thì cây sẽ cho quả ngọt. Việc làm của Lê Thị Vân không chỉ giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người nông dân, các HTX, doanh nghiệp mà bằng những mô hình cụ thể, chị đã chứng minh cho lãnh đạo địa phương, nhất là những vùng khó khăn có cách tiếp cận, nhìn nhận mới về nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, chia sẻ: “Khi nhìn Vân xây dựng những nhà màng, nhà kính đầu tiên trên địa bàn xã, tôi nghĩ nó sẽ không qua nổi một mùa mưa bão. Nhưng thực tế qua mấy năm, nhà màng, nhà kính vẫn bền chắc. Còn về hiệu quả kinh tế, so sánh với lúa, hiệu quả cao hơn 40-50 lần”. Từ năm 2021, UBND xã Minh Sơn đã xây dựng cơ chế riêng khuyến khích nông dân đầu tư nâng diện tích nhà màng, nhà kính. Chính quyền sẽ hỗ trợ 10% tổng đầu tư của hộ gia đình và xây dựng thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để tiêu thụ cho nông dân.

Xuất phát từ hai bàn tay trắng, nữ Bí thư đoàn khu phố 1, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn, giúp người nông dân làm ra được những nông sản chất lượng cao, vươn tầm thế giới. Năm 2020, Lê Thị Vân là một trong 10 thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của. Với Lê Thị Vân, tất cả như mới chỉ bắt đầu khi chị đang ấp ủ nhiều hoài bão lớn hơn, đó là nghiên cứu thêm nhiều kiểu nhà màng, nhà lưới cho các vùng khí hậu khác nhau, giá thành hợp lý, để mọi nông dân đều có cơ hội tiếp cận sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, liên kết với chính quyền địa phương mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc trưng cho từng vùng. Về lâu dài, ngoài xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm tươi, chị cũng dự kiến xây dựng thêm dây chuyền chế biến với mong ước đưa nông sản Việt Nam tiếp tục vươn xa.

Theo QĐND