Mạnh dạn bỏ những cây trồng kém hiệu quả để dành chỗ cho sầu riêng, với tầm nhìn đi trước đón đầu, lão nông Trương Văn Đảo, thôn Bàu Nghé (xã Phước Tín, thị xã Phước Long, Bình Phước) đã góp phần kiến tạo nên vùng sầu riêng hàng hóa, liên kết từ người trồng đến thị trường tiêu thụ. Ông được mệnh danh “vua sầu riêng”. Với lòng nhiệt huyết của mình, ông đã giúp các hộ trong hợp tác xã (HTX) áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Khai phá vùng đất giàu tiềm năng
Ở tuổi 70 tuổi, ông Trương Văn Đảo vẫn miệt mài làm những công việc tưởng chừng chỉ có người trẻ tuổi mới có thể đảm đương. Không những thế, ngoài quán xuyến và phát triển thương hiệu cho trang trại gia đình, ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Cây ăn trái Bàu Nghé.
Sau đợt cách ly giãn cách xã hội do Covid-19, chúng tôi đến thăm trang trại sầu riêng của ông Trương Văn Đảo. Thời điểm này vụ thu hoạch sầu riêng đã vãn nên nơi đây không được nhộn nhịp như những ngày chính vụ. Tuy nhiên, chúng tôi có được một cuộc được trải nghiệm đầy thú vị tại khu vườn này do chủ nhân là lão nông 70 tuổi hướng dẫn. Thú vị hơn, khi được biết ông được người trong vùng mệnh danh là “Vua sầu riêng” (Ba Đảo) và cũng là người đã mang những cây sầu riêng đầu tiên phát triển trên vùng đất này, thay thế cho những loại cây kém hiệu quả.
Trong bộ đồng phục công nhân, dẫn chúng đi thăm khu vườn rộng10ha đang thu hoạch, ông Đảo chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề trồng cây ăn trái từ năm 1995. Hồi trẻ tôi là giáo viên cấp 1, sau ngày giải phóng thống nhất đất nước tôi chuyển sang học và làm việc Ngành Cơ khí hàng hải. Trong một chuyến theo đoàn tham quan thuỷ điện Thác Mơ tôi đã bị hớp hồn bởi những cảnh đẹp hoang sơ nhưng giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp của vùng đất này. Là con nhà thuần nông ở Củ Chi (TP.HCM) nên cái máu làm nông trong tôi đã trỗi dậy từ đó và tôi đã miệt mài với nghề trên quê hương thứ 2 này trong suốt 25 năm qua”.
Chỉ tay ra hướng hồ Thác Mơ nằm sát khu vườn ông cho biết, gần như cả khu vực Bàu Nghé này được bao bọc bởi lòng hồ của công trình thuỷ điện Thác Mơ, nước quanh năm. Toàn bộ khu vườn được tưới từ nguồn nước này. “Làm nông nghiệp thì nguồn nước rất quan trọng, đặc biệt, ngoài nguồn nước thiên nhiên khí hậu, thời tiết nơi đây rất hợp với cây ăn trái. Nhờ sự thiên nhiên ưu đãi đó mà vùng đất ngày càng trở nên màu mỡ. Mới đây được Chính quyền địa phương quy hoạch là vùng chuyên canh cây ăn trái. Qua đó sự liên kết của Hợp tác xã Bàu Nghé với bà con nông dân ngày càng mở rộng”, ông Đảo nói.
Dừng chân tại khu vực tập kết sầu riêng, vừa hỗ trợ chị công nhân đang đẩy chiếc xe rùa đầy ắp sầu riêng mới được hái xuống, ông bộc bạch: “Họ là người lao động tại địa phương đến đây làm việc. Thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng, tuy chưa cao nhưng ổn định. Nhờ vậy họ đã gắn bó với tôi nhiều năm qua. Tôi rất yên tâm vì tính cần cù của họ. Chính sự gắn kết đó nên họ rất am hiểu cách thu hoạch, những trái sầu riêng chỉ được hái khi đã đủ chín, có vậy mới thu được những trái ngon, đồng đều…”.
Kiểm tra, xếp lại những trái sầu riêng vừa được đưa lên chiếc máy kéo, ông trực tiếp lái và mời chúng tôi cùng lên xe về nơi sơ chế. Tiếng hồ hởi của ông pha lẫn trong tiếng nổ đanh tai của xe máy kéo. Ông cho biết, ngày hôm nay thu hoạch gần 3 tấn, chỗ hàng này sau sơ chế sẽ được giao ngay cho khách theo đơn đặt hàng. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, nên giá cũng thấp hơn bình thường. Tuy vậy, chúng tôi đã chủ động những giải pháp, cùng với sự đồng thuận của các xã viên HTX nên dù bất kể hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn có thể vượt qua.
Không phụ thuộc thương lái
Trò chuyện với ông Trần Văn Đương, Phó giám đốc HTX cho biết: Ban đầu HTX có 11 thành viên với diện tích hơn 100ha. Đến nay nâng lên 12 thành viên với diện tích khoảng 150ha, chuyên canh về cây sầu riêng. Trong đó, diện tích của Giám đốc Trương Văn Đảo chiếm hơn 1/3. Còn tôi có 8ha. Những năm trước, vùng đất này chủ yếu trồng cà phê, cao su với thu nhập khá nhưng không ổn định, lại vất vả. Năm 2003, gia đình tôi chuyển dần sang trồng sầu riêng.
Nói về cách mà HTX luôn bảo hộ được giá cho các xã viên, ông Đương cho biết: “Để không bị tư thương ép giá, trước mùa thu hoạch, HTX đã họp bàn để thăm dò thị trường, sau đó thống nhất giá bán đồng loạt. Thêm nữa, các hộ là xã viên cùng ban quản trị HTX thường xuyên tổ chức họp, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Qua đó từng bước ổn định sản xuất cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ những đồng thuận và tuân thủ nội quy một cách xuyên suốt, sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, tạo được uy tín nên giá bán cũng luôn ổn định, sản lượng sau mỗi vụ đều được những khách hàng lâu năm thu mua để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật cho xã viên, HTX còn liên kết với DNSX phân bón có uy tín, đạt chất lượng để cung cấp cho xã viên với giá ưu đãi, giảm chi phí. Thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt từ 1 đến 5 tỷ/năm. Đến nay, 100% thành viên HTX có kinh tế khá, giàu. HTX tạo công ăn việc làm cho 70 lao động tại địa phương, trong đó có 15 lao động là người dân tộc tiểu số, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng /tháng. Ngoài ra HTX còn vận động thành viên đóng góp làm từ thiện và ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần trong công cuộc xây dựng NTM. Ông Đương chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long cho biết: Nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, hình thành một số vùng chuyên canh cây tập trung, phát triển bền vững, thôn Bàu Nghé được UBND TX Bình Long quy hoạch là vùng chuyên canh cây ăn trái. Mô hình HTX cây ăn trái Bàu Nghé là một điển hình, phù hợp với quy hoạch. Với nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, nên vai trò của HTX là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho nông sản trong chuỗi giá trị.
Để không bị tư thương ép giá, trước mùa thu hoạch, HTX đã họp bàn để thăm dò thị trường, sau đó thống nhất giá bán đồng loạt. Thêm nữa, các hộ là xã viên cùng ban quản trị HTX thường xuyên tổ chức họp, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Qua đó từng bước ổn định sản xuất cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Hoàng Tuấn