Chia sẻ tại “đối thoại cùng các vua nông sản”, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong đợt dịch này, chi phí sản xuất tăng cao.

chuoi

Chủ trương chống dịch hai ba ngày lại thay đổi, hay những khó khăn về vấn đề logistics là những khó khăn trong đại dịch khiến doanh nghiệp nông nghiệp không kịp trở tay.

Doanh nghiệp “không kịp trở tay”

“Giãn cách kéo dài khiến hàng tồn đọng rất nhiều vì không có người mua. Thịt và trứng vịt còn đưa vào trữ lạnh và làm trứng muối. Trứng gà phải khuyến mãi mua 1 tặng 1, giảm giá với trứng gà, bán cho các ban ngành đoàn thể. Mọi đầu vào từ bao bì, thức ăn đều tăng 20-30%, có loại 40-50% nhưng giá sản phẩm nông nghiệp đều giảm sâu 30-40%”, bà Huân nói.

Cùng khó khăn, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, mặc dù những cánh đồng chuối ở tỉnh này vẫn giữ được canh tác trong mùa dịch bệnh, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, đơn cử như chuyện chủ trương chống dịch “hai ba ngày lại thay đổi khiến trở tay không kịp”, hay khó khăn về vấn đề logistics.

Trong khi đó, ông Đỗ Cao Bằng, phó chủ tịch Tập đoàn GREENFEED, cho biết ngay từ đầu, doanh nghiệp đã phải kéo dài mô hình 3 tại chỗ hơn 3 tháng, tạo ra nhiều vấn đề cần giải quyết như sinh hoạt của công nhân, vấn đề tâm lý người lao động, chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra giảm.

Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn nhận định, đại dịch đã cho thấy nền nông nghiệp của Việt Nam tính tự chủ chưa cao, phụ thuộc rất nhiều đầu vào của nước ngoài. Bản thân nông nghiệp cũng sử dụng sử dụng 50%, đến 70-80% nguyên liệu nhập khẩu. Câu hỏi đau đáu trong năm nay là “Tại sao một đất nước nông nghiệp, tự hào là nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản?”.

Chủ động cứu mình

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta nhận định, tác hại của dịch lần này là khủng khiếp, không lường trước được nên đối phó từ xa càng tốt.

nh-chu.p-Man-hinh-2021-10-26-luc-17.12.37

Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho rằng doanh nghiệp cần chủ động “cứu mình”.

Từ đầu tháng 7, công ty đã họp triển khai các yếu tố cần thiết để làm “3 tại chỗ”. Công ty nhập nhiều thiết bị test kháng nguyên, đầu tư máy RT-PCR, vì thế phát sinh nhiều chi phí. Dù vậy, đội ngũ an toàn, chuỗi sản xuất tôm được giữ vững.

“Chúng tôi tâm đắc với nhau trong lúc khó khăn mình chính là người chủ động cứu mình nhanh nhất, hiệu quả nhất, có giải pháp phù hợp giảm thiểu khó khăn, góp phần cùng địa phương đưa công tác phòng chống dịch tốt hơn”, ông Lực chia sẻ.

Theo đó, ông Lực nêu quan điểm, trong chiến lược phát triển tới năm 2030, định hướng tới năm 2045 có nâng tầm con tôm Việt thì “nâng giá trị”, thì yếu tố cơ bản nhất để nâng tầm là sản phẩm đó phải an toàn, truy xuất nguồn gốc phải thuận tiện, minh bạch.

Cùng với đó, ông Lực cho rằng hiện nay Chính phủ, các bộ ngành đang triển khai nghị quyết về hợp tác xã bởi đây là mô hình sản xuất quy mô lớn, mang lại tính an toàn sản phẩm cao hơn, năng suất cao hơn, trong khi giá thành thấp hơn, từ đó tăng sức cạnh tranh của mình.

“Về mặt tâm lý chúng ta thấy rằng khách hàng, hệ thống lớn mua hàng khi định kỳ kiểm tra, nếu thấy vùng nuôi bài bản thì lòng tin của họ sẽ cao hơn, cơ hội vào hệ thống, siêu thị cao cấp vì thế sẽ lớn hơn, từ đó có cơ hội nâng tầm tôm Việt. Nếu làm nhỏ lẻ thì sức thuyết phục thấp, không tạo sự an tâm cho khách hàng. Cần xem xét lại chính sách tích điền, đây là chính sách cơ bản trong giai đoạn tới để nâng tầm nông sản Việt nói chung, trong đó có con tôm nói riêng”, ông Lực nói.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân cũng chia sẻ doanh nghiệp có chiến lược bền vững cho mình khi không đầu tư bất động sản mà đầu tư vào quy trình nông nghiệp.

“Từ năm 2003 đã đầu tư dây chuyền diệt khuẩn trứng đầu tiên, sau đó là làm quy trình sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi khép kín tạo ra sản phẩm an toàn. Không đầu tư vào bất động sản nhưng đất đai rất nhiều vì cần cho chăn nuôi. Sắp tới Ba Huân sẽ ra các sản phẩm trứng dinh dưỡng cao. Tuổi tôi đã hơi cao nhưng tinh thần làm việc vẫn cao, tôi sẽ làm nông nghiệp đến hết cuộc đời. Doanh nghiệp Việt Nam không thể thua quốc tế là nguyện vọng của tôi. Sau cơn lũ thì phù sa lại về, sau khó khăn thì cơ hội sẽ đến”, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, chia sẻ.

Bộ trưởng cho rằng, yêu cầu đặt ra là một mặt phải thích nghi, một mặt cần nghĩ khác. “Có lẽ không có từ nào bằng từ thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục. Người ta nói trong bối cảnh đó, đừng ai nghĩ mình lúc nào cũng “nắm cán”, tức là đừng nghĩ lúc nào mình cũng thành công hay mình chiến thắng… Bắt buộc phải ẩn mình một chút để chuẩn bị lại, vươn lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Đồng thời đặt vấn đề, ai cũng biết chế biến sẽ đỡ đứt gãy chuỗi ngành hàng, chế biến tạo giá trị gia tăng cao hơn, nếu công nghiệp chế biến phát triển sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm. Nhưng vì sao sản phẩm xuất thô của chúng ta lại cao hơn sản phẩm chế biến? Nếu như Đài Loan khoảng 80% nông nghiệp xuất khẩu qua chế biến tổng hợp, đóng lon, đóng chai, còn chúng ta ngược lại 80% xuất thô, 20% đóng gói chế biến.

Thy Hằng