Nếu cứ để ngành hàng lúa, gạo Việt Nam sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm, Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An:
Mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai từ năm 2011 nhưng đến cuối năm 2022 chỉ còn lại 2 doanh nghiệp còn duy trì cánh đồng liên kết khá hoàn chỉnh là Công ty Trung An ở Cần Thơ và Tập đoàn Lộc Trời ở An Giang.
Cuối năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Chúng tôi rất phấn khởi, háo hức, kỳ vọng vào các giải pháp mới để Đề án không lặp lại cánh đồng mẫu lớn năm 2011.
Nhưng để thực hiện dự án trong Đề án, các doanh nghiệp cần vốn vay dài hạn (7 – 10 năm) để xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa, lắp silo chứa lúa, xây dựng và lắp đặt (bổ sung) các hạng mục cơ giới hóa đồng bộ cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho vùng liên kết, xay xát, chế biến, chế biến sâu, đóng gói các sản phẩm trong chuỗi lúa, gạo. Cùng với đó là vốn vay ngắn hạn để thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân khi thu hoạch.
Thực tế cho thấy, nếu ngân hàng và các tổ chức tài chính cho doanh nghiệp ngành hàng lúa, gạo vay 2 tỷ USD vốn dài hạn và 2 tỷ USD vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng) – đây là số tiền rất khiêm tốn so với 12 triệu tỷ đồng, tương đương 500 tỷ USD lượng tiền nhàn rỗi của cộng đồng gửi tại ngân hàng, để thực hiện Đề án thì mỗi năm chuỗi lúa, gạo sẽ thu về 10 tỷ USD, chưa tính tiền thu được từ bán tín chỉ carbon. Doanh nghiệp, nông dân và cộng đồng xã hội đều phát triển; tạo đà kéo theo thêm 2 triệu héc ta đất lúa nữa của ngành hàng lúa, gạo Việt Nam cùng phát triển bền vững, chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ với giá trị cao.
Nếu cứ để ngành hàng lúa, gạo Việt Nam sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm, Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỷ USD.
Với tình hình biến đổi khí hậu cực đoan đang diễn ra phức tạp, gạo sẽ là mặt hàng khan hiếm ngày càng trầm trọng trên toàn cầu. Ngành hàng lúa, gạo Việt Nam có yếu tố thiên nhiên ưu đãi hơn các quốc gia khác. Đầu tư ngành hàng lúa, gạo phát triển bền vững là để luôn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cũng chính là góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.