Trước đây, ít ai nghĩ rằng tại vùng đất Cà Mau lại có thể trồng được dưa lưới. Thế nhưng, những trại dưa lưới đầu tiên trong nhà kính phát triển xanh tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Có được thành quả đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân.
Trồng dưa lưới công nghệ cao từ nguồn vốn Quỹ HTND
Thấy được lợi thế về nguồn đất nông nghiệp dồi dào, điều kiện địa lý thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghiệp cao. Bên cạnh đó, thực trạng vấn đề an toàn thực phẩm cũng là vấn đề bức xúc của toàn xã hội hiện nay. Từ đó, Hội Nông dân xã Tân Thành (TP.Cà Mau) đã lập dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel và tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình được thực hiện tại ấp 6, xã Tân Thành và khóm 4, phường Tân Thành, TP. Cà Mau với 8 hộ tham gia, trong thời hạn vay là 36 tháng. Tổng số vốn thực hiện dự án là hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của các hộ tham gia dự án là gần 2,5 tỷ đồng; vốn đề nghị vay Quỹ HTND tỉnh Cà Mau là 800 triệu đồng. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 3.2020.
Theo đó, dự án đặt mục tiêu định hướng nông nghiệp công nghệ cao và tạo việc làm, nâng cao mức sống cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đồng thời triển khai, nhân rộng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước có điều khiển tự động được cung cấp bởi công ty từ Israel. Từ đó, cung cấp sản phẩm dưa lưới nhiều chủng loại chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: “Vùng đất Tân Thành trước đây được đánh giá là không thể trồng được dưa lưới, nhưng qua 1 khu nhà kính đã chứng minh được nhận định đó không đúng. Bên cạnh đó, sản phẩm dưa lưới trồng tại đây có chất lượng cao hơn khi đem đi so sánh với các sản phẩm cùng loại trồng tại nhiều vùng khác nhau”. Theo ông Hồ Quốc Trạng, khi bắt tay vào thực hiện mô hình, các thành viên cùng tham gia sản xuất đã ký hợp đồng mua giống, phân bón cùng một đại lý nên chi phí trong quá trình sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm an toàn, đầu ra ổn định… đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Ông Nguyễn Xuân Trường, một hội viên nông dân tham gia dự án cho rằng, dự án trồng dưa lưới đã thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hiện đại tại địa phương, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Mô hình trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm sạch vào trong các siêu thị trên địa bàn TP.Cà Mau, tạo uy tín, mang lại thu nhập khá và bền vững cho người trồng.
“Nông sản sản xuất theo quy trình an toàn được đa số người tiêu dùng tại thành phố Cà Mau ưa chuộng, vì không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, từ đó khả năng cạnh tranh của các loại nông sản sạch do nông dân Tân Thành sản xuất ra là rất cao, cả về chất lượng và giá thành sản phẩm”, ông Trường nhận định.
Hiệu quả ngoài mong đợi
Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, trước khi thực hiện dự án, Chủ nhiệm dự án đã lên kế hoạch chi tiết các bước thực hiện, có sự chuẩn bị chu đáo về phương án sản xuất, sử dụng đồng vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân hiệu quả. Những thành viên tổ hợp tác và các thành viên tham gia trực tiếp thực hiện dự án được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel và tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, chủ dự án định kỳ kiểm tra 2 lần/tháng việc thực hiện quy trình sản xuất trồng dưa lưới trong nhà kính và khâu thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ, kế hoạch sản xuất từng vụ của hộ thực hiện dự án và việc thu mua, cung cấp cho người tiêu dùng. Mỗi tháng họp thành viên 4 lần để thường xuyên hỗ trợ, phân công công việc, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ cho các thành viên vay vốn…
Theo ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, hiện tại Tổ hợp tác (THT) trồng dưa lưới có 5 nhà kính với 8 tổ viên, mỗi nhà có diện tích 500m2, trồng khoảng 1.200 – 1.300 dây dưa/nhà kính. Bình quân mỗi năm THT này xuống giống được 3 vụ/nhà màng. Hiện THT trồng dưa lưới ở xã Tân Thành đang có 1 nhà kính dưa lưới được trồng theo công nghệ khép kín (hữu cơ) đã đến thời điểm thu hoạch. Nhà kính này có khoảng 1.300 dây dưa lưới xanh TAKI Nhật và vàng Inthanol Hà Lan, dự kiến thu hoạch khoảng 2,6 tấn dưa. Nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, dưa đạt năng suất và trúng giá (bình quân từ 60.000 – 80.000đồng/kg) thì mỗi nhà kính có lợi nhuận từ 50 – 60 triệu đồng.
Hội Nông dân xã đặt mục tiêu, sau khi kết thúc dự án (3 năm/12 vụ) mỗi hộ lợi nhuận bình quân được hơn 865 triệu đồng/8 thành viên, mỗi hộ thu về hơn 108 triệu đồng. Như vậy, sau 3 năm khi hoàn vốn có thể tự lực sản xuất từ năm thứ 4 đến năm thứ 6 có thể thu doanh thu cao.
Điều đáng mừng là doanh thu 3 năm (12 vụ, 2 nhà kính) thực hiện dự án là hơn 4,1 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được gần 2,3 tỷ đồng. Sau khi kết thúc thời gian còn lại của dự án mỗi hộ thu lợi nhuận bình quân được gần 285 triệu đồng. Dự án tiếp tục nhân rộng và mở rộng diện tích sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các hộ trồng dưa lưới tại địa phương cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ từ khi dịch Covid – 19 bùng phát đầu tháng 5.2021. Anh Trần Văn Thiện, chủ vườn dưa lưới Cà Mau Farm cho biết vào mỗi đợt thu hoạch dưa, Cà Mau Farm sẽ tổ chức mở cửa đón khách tham quan, mỗi đợt thu hút khoảng 900 – 1.000 lượt khách. Với cách làm này chỉ trong vòng khoảng 10 ngày là dưa lưới được bán hết.
“Đến nay gia đình tôi đã trồng được 6 vụ dưa lưới và vụ dưa lần này là đạt năng suất cao nhất. Thông thường, gia đình sẽ kết hợp mở cửa cho khách tham quan và bán dưa ngay tại vườn. Đợt này trúng mùa, gia đình chưa kịp vui mừng thì dịch bệnh lại ập đến nên chúng tôi đang lo ngại vấn đề về đầu ra cho sản phẩm”, anh Thiện cho biết thêm.
“Hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel và tiêu chuẩn VietGAP đang phát triển tốt, được Thường trực Hội ND tỉnh tham quan và đánh giá cao, chỉ đạo xã tiếp tục nhân rộng mô hình. Thời gian tới Hội ND xã sẽ tiếp tục nhân rông thêm 2 mô hình nữa trên địa bàn khóm 4, với diện tích 1.000m2. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel”. Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành. |
Tuyên Đức