Vốn ngoại đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản trong 5 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.5, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
5 tháng đầu năm nay, ngành bất động sản bị tụt xuống vị trí thứ 3 khi chỉ thu hút được 1,16 tỉ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, giảm đến 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỉ USD vào lĩnh vực này của cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch, giúp quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm và nguồn đầu tư nước ngoài.
Trước bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế từ tín dụng ngân hàng trong nước, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời và đắt giá cho các chủ đầu tư phát triển dự án, tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp địa ốc.
Song, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, quỹ đất hạn chế, các doanh nghiệp khối ngoại thường hướng đến M&A dự án bất động sản tại Việt Nam. Song, vẫn còn đó những vướng mắc về hành lang pháp lý trong nhiều dự án bất động sản gây do dự cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư tại Savills Việt Nam cho rằng thực trạng các dự án bị ách tắc pháp lý, đã thu tiền trước từ khách hàng, các doanh nghiệp cũng chưa minh bạch về tài chính, đặc biệt chưa có đơn vị kiểm toán độc lập. Điều này gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc quyết định tham gia vào các dự án.
Vị chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó.
Trong khi đó, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định, các tín hiệu cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đều nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.
“Việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng FDI là hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn” – ông Neil MacGregor nhận định.
Còn theo Cushman & Wakefield, trong 5 năm trở lại đây còn có các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, dòng vốn đăng ký đầu tư vào bất động sản cao nhưng vốn thực hiện lại thấp. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư cơ hội, chứ không phải thị trường đầu tư thông qua dòng tiền ổn định.
Diệu Hoa