Trái ngược với dòng vốn nội ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, thì dòng vốn ngoại lại “quẫy đuôi” tháo chạy trong năm Bính Tý.
Tuy nhiên, dòng vốn này được kỳ vọng đảo chiều trong xuân Tân Sửu.
Thống kê sơ bộ đến 21/12/2020 cho thấy khối ngoại đã bán ròng gần 20.000 tỷ đồng. Nếu như bỏ qua một số thương vụ lớn như VHM, PGD, MSN, PLX, thì con số bán ròng của khối này lên đến gần 33.000 tỷ đồng.
Miệt mài bán ròng
Từ việc mua ròng tháng 1/2020 hơn 1.000 tỷ đồng, khối ngoại đã quay sang bán ròng mạnh những tháng kế tiếp, trong đó cao điểm tháng 3 và 4/2020. Chỉ riêng 2 tháng này, khối ngoại đã bán ra 13.700 tỷ đồng trên sàn HOSE. Mặc dù vậy, so với các TTCK khác tại thời điểm đó, mức độ bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, bởi nhiều nước còn bị rút ròng với hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, không để lịch sử lặp lại như khủng hoảng 2008, các ngân hàng trung ương nhanh chóng thực thi hàng loạt các chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo đó, những người dân bỗng nhiên được nhận một khoản tiền lớn từ các Chính phủ. Dòng tiền này nhanh chóng quay lại TTCK với tên gọi nhà đầu tư F0. Sự xuất hiện của những nhà đầu tư (NĐT) này, đặc biệt với giao dịch miễn phí của sàn Robinhood không chỉ đẩy giá cổ phiếu mà cả những hàng hóa đang được giao dịch. Và TTCK Việt Nam cũng nhanh chóng hồi phục kể từ cuối tháng 3 và vượt qua nhiều mốc cản quan trọng thẳng tiến lên ngưỡng 1.100 điểm.
Tuy nhiên, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh, mà ngay cả trong giai đoạn Việt Nam cơ bản khống chế dịch bệnh, kinh tế tăng trưởng tích cực và TTCK hình thành xu hướng tăng. Một số lý giải cho rằng, khối ngoại bán ròng để gia tăng dòng tiền vào một số quỹ ETF nội là ETF Diamond và ETF VN30, hoặc bán ròng theo chu kỳ của các quỹ ETF ngoại như FTSE và Vaneck hay một số quỹ buộc phải đóng như Penm III.
Năm mới, kỳ vọng mới
MSCI đã chính thức nâng hạng thị trường Kuwait giúp TTCK Việt Nam được nâng tỷ trọng lên đến 28,7%. Mặc dù MSCI chính thức không nâng tỷ trọng ngay, nhưng theo ước tính sơ bộ, nếu tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam thêm 5%, TTCK sẽ được mua bổ sung 68,8 triệu USD bởi quỹ iShares (quỹ đầu tư theo MSCI FM 100 Index) và 193 triệu USD bởi các quỹ khác (đầu tư theo MSCI FM Index).
Cần lưu ý rằng hiện tại đang có 31 quỹ đầu tư lấy MSCI FM Index làm chỉ số mô phỏng, với tổng giá trị tài sản quản lý ước 3,8 tỷ USD. Trong đó, các cổ phiếu của Việt Nam chiếm khoảng 12% với giá trị đầu tư 463 triệu USD. Theo đó, nhiều báo cáo từ Mỹ cho rằng, NĐT Mỹ nên quan tâm đến thị trường Châu Á và thị trường mới nổi. Tuy nhiên, việc bán ròng vẫn chưa có điểm dừng cho đến tận ngày hôm nay.
Trên thực tế, khối ngoại không chỉ bán ròng tại TTCK Việt Nam, mà còn bán ròng ở nhiều nước khác như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Philipines… Không giống như nhịp bán ròng của khối ngoại năm 2016, 2018 với lý do khi FED nâng lãi suất, dòng tiền hút về Mỹ, lần này Chính phủ các nước còn đang thực hiện hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay. Do đó, các quỹ lớn như Dragon và VinaCapital đang kỳ vọng rằng dòng tiền ngoại sẽ đảo chiều quay trở lại các TTCK, trong đó có TTCK Việt Nam trong năm 2021, nhất là khi TTCK nhiều khả năng sắp được nâng hạng.
Nguyễn Hữu Bình