Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội thông qua ngày 11/1/2021 sẽ có những hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong năm 2022.
Theo Nghị quyết về Chương trình phục hồi với tổng quy mô thực chi gần 350 nghìn tỷ đồng, khoảng 103,16 nghìn tỷ sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Mặt khác, nhiều cấu phần khác trong Chương trình cũng hướng đến đầu tư cơ sở hạ tầng như gói 5,686 nghìn tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số hay gói 5 nghìn tỷ đồng chi cho hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu…
Động lực từ gói phục hồi
Chương trình phục hồi của Chính phủ còn bao gồm nhiều nội dung như gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng, mức hỗ trợ 2% trong 2 năm, gói giảm thuế, phí, lệ phí ước khoảng 64 nghìn tỷ, gói 6 nghìn tỷ hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Việc thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công – đặc biệt là cấu phần hơn 100 nghìn tỷ đồng qua Chương trình phục hồi – sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
Nếu thực hiện tốt Chương trình phục hồi, khả năng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% và tăng trưởng năm tới cũng ở mức tương tự. Nền tảng tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế nói chung sẽ là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản ở nhiều phân khúc.
Cùng với Chương trình phục hồi, thị trường bất động sản năm 2022 dự kiến cũng nhận được nhiều xung lực từ một số chương trình đầu tư công khác của Chính phủ như dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trị giá gần 147 nghìn tỷ đồng dài 729 km chạy qua nhiều địa phương, các dự án xây dựng sân bay, cầu, cảng, nông thôn mới.
Về vấn đề thể chế, nhiều nút thắt pháp lý đang được tháo gỡ, nhất là sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 1 luật sửa 8 luật mới đây với nhiều điểm mới trong Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu… Năm 2022, dự kiến Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng sẽ là những đầu mối quan trọng trong dự án sửa đổi các Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai…, tạo điều kiện hơn nữa cho việc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản.
Đan xen cơ hội và thách thức
Năm 2022 sẽ là một năm tươi sáng đối với ngành bất động sản trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo mức 4,5 – 5%, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ giá và lãi suất mức tương đối ổn định, lạm phát năm 2022 mức 3,3% đi ngang.
Giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt bất động sản đã và sẽ được kiểm soát. Bên cạnh đó, giá bất động sản hầu như không giảm, thậm chí giá bất động sản nhà ở còn tăng mức 5 – 9% theo từng địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm.
Về nguồn vốn vào thị trường bất động sản, năm 2021, nguồn vốn đối với thị trường bất động sản sẽ tăng khoảng 9%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ VNĐ, chiếm 19% tổng dự nợ của nền kinh tế. Bên cạnh đó là vốn tư nhân, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 7.650 doanh nghiệp vốn đăng ký 472.000 tỷ. Trong khi đó, vốn FDI tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản là 2,6 tỷ USD. Phát hành trái phiếu toàn ngành bất động sản tích cực, toàn thị trường phát hành 628.000 tỷ VNĐ tăng 36%.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro, thách thức với ngành bất động sản trong thời gian tới. Cụ thể, phương thức phòng chống dịch vẫn còn thiếu nhất quán, Chính phủ và Bộ Y tế đôi khi vẫn phải “tuýt còi” một số địa phương. Bản thân lĩnh vực bất động sản cũng có phân khúc đi ngang, có phân khúc đi lên… nhìn chung sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm.
Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tăng. Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều thách thức khi còn thiếu khung pháp lý cho những mô hình kinh doanh mới, cùng với đó là vấn đề dữ liệu, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn hạn chế.
Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động…Bên cạnh đó, kinh tế số là động lực tốt cho cả nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản. Kinh tế Internet được dự báo tăng trưởng mức 29% trong giai đoạn 2021-2025. Thanh toán không dùng tiền mặt toàn cầu tăng nhanh hơn.
Đặc biệt là trong thời gian gần đây, có đến 95% ngân hàng Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đây cũng được coi là bước tiến mới đem lại sự tiện lợi cho các ngành nghề trên thị trường, mở đường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng “rót vốn” cho thị trường bất động sản hơn.
TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV