Vượt qua nỗi buồn về bệnh tật, Lê Thị Thùy Trang (24 tuổi, ở Quảng Nam) đã bén duyên với nghề trồng cây xương rồng. Hiện nay, chị đã có doanh thu đến trăm triệu đồng/tháng.
Được loài xương rồng cứu sống
Theo lời giới thiệu từ những người bạn có niềm đam mê sưu tập cây xương rồng, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Thùy Trang (24 tuổi) tại phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chị được biết đến như một cô chủ trẻ tuổi của vườn xương rồng đẹp nổi tiếng nơi xứ Quảng.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn, chị Trang cho biết, vào năm 2015, khi đang học lớp 12, chị bị một căn bệnh “khó nói” làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin vào cuộc sống.
Lúc đó chị đã nhiều lần đi đến chân cầu để tự tử. Nhưng khi bước lên thành cầu, chị không đủ can đảm nhảy xuống mà lại quay về. Khi về nhà, chị vô tình thấy được cây xương rồng nằm ở sau vườn không ai tưới nước nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt. Hình ảnh cây xương rồng đã khiến chị có suy nghĩ tích cực hơn.
“Tôi nghĩ cây xương rồng dù gai góc, môi trường sống khắc nghiệt mà vẫn vươn lên mãnh liệt vậy thì tôi cũng phải quyết tâm đứng dậy để vượt qua… Quả thật không có động lực từ loài cây này thì có lẽ tôi đã ra đi từ lâu rồi”, chị Trang nhớ lại.
Cũng từ giây phút đó, chị Trang đã có niềm đam mê với loài cây gai góc này. Để thực hiện đam mê, chị đã bỏ nhiều công sức đi thu thập và tìm giống ở khắp nơi sau những giờ đi học.
“Lúc đó, tôi chưa nghĩ mình sẽ kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đi làm công nhân. Được một thời gian thấy không hợp nên lại nộp hồ sơ để học tiếp Cao đẳng và đi làm ở một khách sạn. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát khiến tôi thất nghiệp”, chị Trang kể.
Khi thất nghiệp, chị lại quay về nhà và dùng thời gian rảnh của mình để chăm sóc xương rồng, khi thấy những cây xương rồng ngày càng phát triển, chị đã nhen nhóm ý định mở cửa hàng kinh doanh loài cây này.
“Những ngày đầu tôi chỉ có vỏn vẹn 300.000 đồng để mua giống về trồng. Được một thời gian, số lượng gia tăng đáng kể, rồi được nhiều người biết, hỏi mua. Bán được sản phẩm đầu tiên khiến tôi vui lắm”, chị Trang san sẻ.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì những đợt xương rồng tiếp theo gặp rất nhiều khó khăn. Khi có nhiều loài xương rồng mới được nhập về, chưa biết cách chăm sóc khiến cây chết sạch, gây tổn thất lớn.
Rồi có người khuyên chị đừng làm chuyện phí công, phí của, và gia đình cũng nhiều lần ngăn cản vì mong muốn chị có một cuộc sống an phận hơn là kinh doanh.
Nhưng như một loài hoa nở trên sa mạc khắc nghiệt, chị quyết lên mạng học hỏi kinh nghiệm. Sau một thời gian, chị cũng có cách chăm sóc và nhân giống thành công, số lượng xương rồng ngày càng gia tăng và chị đã mở rộng quy mô trồng.
Xương rồng nhả “vàng”
Đến thời điểm này, dù đã là cô chủ của một tiệm bán xương rồng như chị Trang vẫn chưa dám nhận thành công mà chỉ là đang học cách sinh sống của các loài xương rồng, sen đá…
Hàng ngày, chị Trang dành trọn vẹn thời gian, toàn tâm, toàn ý cho khu vườn nhỏ. Ngoài bán trực tiếp tại khu vườn, thời gian rảnh chị còn bán qua mạng xã hội…
Những chậu xương rồng, sen đá xinh xắn của chị luôn nhận được sự ủng hộ, phản hồi tích cực từ bạn bè, khách hàng. Để làm phong phú, mang đến phong cách riêng cho xương rồng, chị còn sưu tập những loại xương rồng đột biến, và một số loại có giá trị cao được nhập từ nước ngoài.
“Đến nay khu vườn của tôi đã có hơn 100 loài xương rồng, sen đá khác nhau… nhiều loại rất khó tìm. Khách hàng của tôi nằm rải rác khắp các tỉnh, thành trong cả nước”, chị Trang chia sẻ.
Hàng tháng, chị Trang xuất bán số lượng đơn hàng cây xương rồng, sen đá khá lớn, với giá dao động từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng mỗi cây. Riêng loại xương rồng đột biến, hay những loại độc đáo và hiếm có, khó tìm sẽ có giá trị lên đến vài triệu đồng mỗi cây.
“Trung bình doanh thu mỗi tháng của vườn từ 30-60 triệu đồng, có tháng lên đến 100 triệu đồng. Thời gian tới tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích, nhập thêm nhiều giống mới để đa dạng hóa chủng loại, sản xuất với số lượng nhiều hơn”, chị Trang bộc bạch.
Chia sẻ bí quyết trồng 2 loại cây này, chị Trang cho biết, trồng xương rồng cũng khá dễ, chỉ cần để cây hấp thụ đủ nắng, mỗi tuần tưới 2 lần khi đất thật khô, sử dụng loại đất trồng dành riêng cho cây thì cây sẽ sinh trưởng tốt…
Theo Dân Trí