anh-minh-hoa-4

VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1490 điểm.

Đóng cửa thị trường ngày 27/12, thị trường duy trì quán tính với các chỉ số chốt ở vùng giá cao. VN-Index tăng 0,8% dừng tại 1.488,88 điểm, HNX-Index tăng trưởng 0,85% trong khi UPCoM-Index tăng nhẹ 0,15%. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 28.831 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Nhóm Ngân hàng tiếp tục là động lực thúc đẩy đà tăng của chỉ số với TPB (+3,8%), CTG (+1,5%), VCB (+1,7%) cùng với KDH (+3,9%), VIC (+2,6%) tăng giá tích cực. POW (+7%) cũng hồi phục sau 2 phiên giảm giá gần đây.

Dòng tiền hôm 27/12 trập trung chủ yếu vẫn là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như HNG (+6,3%), HQC (+4,3%), ROS (+6,9%), FLC (+4%). Về nhóm ngành, nhóm Điện tử và thiết bị điện (GEX, DQC), Sản xuất và phân phối điện (VNE, POW, PC1) là những nhóm ngành dẫn đầu đà tăng.

CTCK MB (MBS) cho biết, phiên tăng thứ 2 liên tiếp đã giúp chỉ số VN-Index vượt qua vùng tích lũy kéo dài 8 phiên và có nhiều cơ hội để hướng tới vùng đỉnh cũ 1.500 điểm. Thanh khoản thị trường giảm không đáng ngại do ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ. Chuyên gia MBS cho rằng thanh khoản thị trường tuần này có thể giảm nhẹ so với tuần trước, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn có cơ hội để hồi phục về mức đỉnh cũ. Chuyên gia kỳ vọng sẽ có hiệu ứng chốt NAV và thông tin về kết quả kinh doanh quý 4 đến sớm.

Chỉ số VN-Index vẫn có cơ hội để test đỉnh cũ 1.510 điểm, thậm chí có thể vượt đỉnh khi các nhóm cổ phiếu đang có nhiều thông tin hỗ trợ như: Chứng khoán, dầu khí, bất động sản,… tạo được sự đồng thuận cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng, do vậy các nhịp điều chỉnh trong phiên vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục hoặc tích lũy thêm cổ phiếu mới.

Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Đồng thời, thị trường có khả năng sẽ sớm kết thúc giai đoạn phân hóa và xu hướng ngắn hạn có thể sẽ rõ ràng hơn, nhưng dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu, đây là diễn biến thường xảy ra vào những thời điểm cuối năm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý duy trì ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính, điểm tích cực là xu hướng ngắn hạn của nhóm Ngân hàng đã được nâng lên mức tăng. Do đó, chuyên gia YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35-40% danh mục và chỉ nên xem xét mua mới với tỷ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.

dien-bien-vnindex

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), vùng hỗ trợ gần quanh 1.470 điểm đã cho phản ứng và tạo điểm đỡ giúp cho chỉ số sớm lấy lại trạng thái cân bằng. Mặc dù áp lực rung lắc quanh vùng kháng cự 1.500 (+-5) điểm sẽ càng trở nên rõ nét hơn trong những phiên tới, cơ hội mở rộng đà hồi phục sau đó và hướng tới vùng đích kỳ vọng kế tiếp tại quanh 1.520 (+-5) điểm đang có phần chiếm ưu thế. “Sau khi gia tăng một phần vị thế trading, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể linh hoạt bán một phần cân bằng lại tỷ trọng khi các cổ phiếu nắm giữ tiếp cận vùng cản gần”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.

CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau phiên hồi phục tích cực cuối tuần trước, diễn biến của VN-Index đã chậm lại trong phiên nhưng tiếp tục có động thái hồi phục khi về cuối phiên giao dịch. Nhịp rung lắc đã xuất hiện nhưng áp lực bán nhìn chung đã hạ nhiệt, thể hiện qua thanh khoản giảm so với các phiên trước. Hiện tại, VN-Index thêm lần nữa thử thách vùng cản 1.480 – 1.490 điểm. Đợt này cơ hội vượt cản được gia tăng đáng kể nhờ đà hồi phục vẫn được duy trì và áp lực bán giảm so với các đợt trước. Dự kiến, VN-Index sẽ thoát được vùng cản và tiếp tục tăng ngắn hạn.

Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp tăng ngắn hạn của thị trường, đồng thời có thể xem xét mua ngắn hạn tại các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang ở vùng hỗ trợ tích cực. Đối với các cổ phiếu đầu cơ tăng nóng, diễn biến tăng giá đã trở lại ở khá nhiều cổ phiếu, tuy nhiên vẫn nên thận trọng trước rủi ro tiềm ẩn tại nhóm này”, chuyên gia VDSC khuyến nghị.

Nguyễn Long