chung-khoan-02

VN-Index sẽ điều chỉnh về vùng điểm nào?

Đóng cửa thị trường phiên 11/1, VN-Index giảm 11,40 điểm (0,76%) còn 1.492,31 điểm, HNX-Index giảm 1,28 điểm (0,27%) xuống 481,61 điểm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,21%) lên 114,54 điểm.

Các cổ phiếu MSN, VHM, VIC, GVR và VCB là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, trong khi BCM, DIG, BID, GAS, STB nâng đỡ thị trường.

Về cuối phiên giao dịch, áp lực bán tiếp tục dâng cao và đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, trong đó, nhóm chứng khoán ghi nhận rất nhiều cổ phiếu đầu ngành giảm sâu. VND giảm 5,4%, VCI giảm 5,3%, HCM giảm 4%…

Bên cạnh đó, các mã trụ cột như MSN, FPT, GVR, VHM, VRE, PLX… cũng đồng loạt giảm và gây áp lực rất lớn lên các chỉ số. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 39.383 tỷ đồng, giảm 16,8%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 12,3% và đạt mức 34.628 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại khoảng 100 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể biến động trong vùng 1.490 – 1.500 điểm. Đồng thời, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy thị trường có thể sẽ biến động hẹp sau hai phiên biến động mạnh trước đó. Điểm tiêu cực là áp lực bán vẫn còn mạnh, nhưng dòng tiền có sự phân hóa cho thấy thị trường sẽ chưa thể xảy ra tình trạng bán tháo mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung đã bị hạ xuống mức giảm. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ dần tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng (tức là 50% danh mục) và hạn chế mua mới ở giai đoạn này”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.

CTCK MBS nhận định, thanh khoản thị trường trong phiên 11/1 đang ở thời điểm tiệm cận mức kỷ lục như giai đoạn tháng 11 năm ngoái. Thông thường, thanh khoản trước hoặc sau thời điểm tết âm lịch ở mức thấp nhất trong năm, nhưng năm nay thanh khoản đã lên mức rất cao ở thời điểm đầu năm mới, cho thấy tín hiệu tích cực về dòng tiền ngày càng đổ vào thị trường chứng khoán.

Thị trường điều chỉnh trên diện rộng dưới áp lực từ các cổ phiếu trụ, tuy vậy nhóm cổ phiếu đầu cơ đã nhanh chóng phục hồi. Về kỹ thuật, việc chỉ số VN-Index để mất ngưỡng 1.500 điểm vẫn chưa ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số. Nền thanh khoản đang tiệm cận mức kỷ lục trong năm ngoái là cơ hội để dòng tiền cơ cấu lại.

“Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechips khi biến động của thị trường đang khá cao. Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips cũng đã tạo được nền tích lũy  kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn”, chuyên gia MBS cho biết.

dien-bien-vnindex

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Còn theo CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định, áp lực bán mạnh cùng thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao khiến VN-Index rơi vào trạng thái tiêu cực với rủi ro mở rộng điều chỉnh về những vùng sâu hơn.

Vùng hỗ trợ gần của chỉ số quanh 1.47x điểm và xa hơn là 1.45x điểm được kỳ vọng sẽ cho phản ứng và xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật. “Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể kê lệnh mua trở lại một phần vị thế trading T+ khi VN-Index về lại vùng hỗ trợ gần, nhưng cần đẩy bán ra ngay sau đó nếu điểm đỡ này bị xuyên thủng”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.

CTCK Vietcombank (VCBS) lại cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang ở trong xu hướng tích lũy lại quanh vùng 1.490 – 1.500 điểm và nhiều khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới. Cùng với đó, ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.480 – 1.490 điểm (tương ứng đường trung bình động 20 ngày) vẫn là tương đối đáng tin cậy trong giai đoạn trước mắt và không kỳ vọng chỉ số sẽ giảm sâu và xuyên thủng mốc này.

Chuyên gia của VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên chốt lời một phần đối với các cổ phiếu ghi nhận mức tăng vượt trội trong giai đoạn này và có thể cân nhắc tích lũy một số mã cổ phiếu có vốn hóa lớn đã có mức chiết khấu đáng kể sau hai phiên giảm điểm vừa qua, đồng thời cũng cần cũng cần chú ý kiểm soát tỉ lệ đòn bẩy trong giai đoạn này để hạn chế rủi ro nếu chỉ số chung quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.480 điểm.

CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, VN-Index vẫn chưa thể thoát ra được nhịp điều chỉnh, do áp lực chốt lời vẫn duy trì ở mức khá cao. Tuy nhiên, mức độ giảm điểm đã thu hẹp so với phiên trước, đồng thời chỉ số đã dừng lại tại vùng hỗ trợ quanh 1.490 điểm. Cho thấy nhịp giảm của VN-Index đã tạm thời chững lại và có thể sẽ có nhịp hồi phục trong thời gian gần tới để kiểm tra lại cung cầu. Đối với nhóm VN30, chỉ số đã lùi về vùng hỗ trợ 1.500 điểm, dự kiến chỉ số này cũng sẽ được hỗ trợ và hồi phục trở lại để thăm dò cung cầu tại vùng 1.500 – 1.525 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục.

Nguyễn Long